Miền Tây với lịch sử hơn 300 năm từ lâu đã trở thành đề tài hấp dẫn cho các tác phẩm điện ảnh. Tính đến nay đã có rất nhiều bộ phim lấy miền Tây làm bối cảnh chính. Trong những bộ phim đó, có những phim đã đi sâu vào lòng công chúng. Nếu bạn đang chuẩn bị tham gia một tour du lịch miền Tây thì dưới đây là những bộ phim bạn nên xem trước khi lên đường để có cho mình chuyến đi thú vị hơn:
Mục lục bài viết
Toggle1.NGƯỜI TÌNH (1992)
Đạo diễn: Jean-Jacques Annaud
Dựa trên: “Người tình” của nhà văn Marguerite Duras
Sản xuất: Claude Berri
Phát hành: MGM
Công chiếu: 22 tháng 1, 1992 (Pháp)
Độ dài: 115 phút
Quốc gia: Pháp
Phim kể về một chuyện tình giữa một thiếu nữ người Pháp và một người Hoa giàu có. Chuyện tình của họ bắt đầu từ cuộc gặp gỡ bất ngờ trên chuyến phà Vĩnh Long – Sa Đéc cũng giống như chuyện tình có thật của bà Marguerite Duras và đức ông Huỳnh Thủy Lê – một đại điền chủ lương thiện tại Sa Đéc. Tuy nhiên, sau khi cả hai gia đình phát hiện ra mối quan hệ đó, tình yêu của họ bị cấm đoán. Không thể chống lại định kiến của hai gia đình, người thanh niên phải cưới một người đồng hương do ba mẹ chỉ định, còn cô gái trẻ quay trở lại Pháp. Một thập kỷ trôi qua, người thành niên qua Pháp và muốn gặp lại người cũ, lúc này đã là một nhà văn nổi tiếng, hai người liền nhận ra họ vẫn còn yêu nhau.
Bộ phim khởi quay tại Việt Nam vào năm 1986, hoàn thành năm 1990. Thời gian hai năm đầu làm phim chỉ gồm công việc tiền trạm và thiết kế. Phim do hãng Cinematic Hongkong và Liên hiệp điện ảnh băng từ TP HCM làm dịch vụ. Cuối năm 1991, Người tình đã được công chiếu ở TP HCM. Việt Nam là quốc gia đầu tiên có vinh dự xem bộ phim nổi tiếng này.
2.ĐẤT PHƯƠNG NAM (1997)
Đạo diễn: Nguyễn Vinh Sơn
Dựa trên: Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi)
Phát hành: TFS
Độ dài: 60 phút x 11 tập
Bộ phim là một câu chuyện về cuộc sống của những con người dân quê bình dị trong thời cuộc loạn lạc thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ. Mỗi số phận, mỗi cảnh đời trong từng trang tiểu thuyết đã bước ra bằng xương, bằng thịt trở thành những nhân vật trong phim.
Do nghịch cảnh mất mẹ, cậu bé An trôi dạt tha phương trên bước đường đi tìm cha. Lưu lạc về phương Nam, An gặp những cảnh đời ngang trái, những mảnh đời lầm than của người nông dân dưới ách áp bức của phong kiến và thực dân. Hoàn cảnh đã đưa đẩy họ trở thành những người nông dân khởi nghĩa. Tuy ba chìm bảy nổi giữa dòng đời, An vẫn luôn sống trong lòng nhân ái, đùm bọc của đồng bào. Đó là nguồn động lực đưa cậu vượt qua những khó khăn gian khó. Cuối phim, cả hai nhân vật An và người bạn đường Cò của cậu đều đi theo cách mạng.
3.MÙA LEN TRÂU (2004)
Đạo diễn: Nguyễn Võ Nghiêm Minh
Dựa trên: Mùa len trâu (Trích “Hương rừng Cà Mau” – Nhà văn Sơn Nam).
Phát hành: Global Film Initiative
Độ dài: 102 phút
Chuyện phim kể về cuộc sống của những người nông dân miền Nam đầu thế kỷ 20. Mỗi khi mùa mưa về, nước tràn ngập mọi nơi, có những người làm nghề “len trâu”, đưa trâu đi tìm cỏ để sống qua mùa lũ, cuộc sống người dân vô cùng vất vả. Để cứu đàn trâu không bị chết đói vì thiếu cỏ, người ta tổ chức những cuộc “len trâu” (đưa trâu đi tránh lũ), tìm đến những khu đất cao, nơi có cỏ. Kìm ở tuổi mới lớn, cố xin cha mẹ được dắt 2 con trâu nhà đi “len”. Vượt qua bao khó khăn vất vả, thậm chí phải chịu mất một con trâu trên đường; sau mùa lũ, Kìm trở về nhà như một thanh niên đã trưởng thành, với cả những thói xấu thường gặp ở tuổi trẻ thời ấy. Nói chung, nhựng cảnh phim có sức chinh phục người xem mạnh mẽ, bởi “chất Nam bộ” đặc sệt trong hầu hết các khuôn hình.
4.HƯƠNG PHÙ SA (2005)
Đạo diễn: Võ Tấn Bình
Phát hành: TFS
Độ dài: 45 phút x 29 tập
Bộ phim kể về một gia đình truyền thống làm đóng ghe xuồng người miền Tây, đó là xưởng Ba Rằ. Ba Rằn bị tàn tật do uống nhiều rượu, nên không thể làm việc được, thì Út Nhỏ cô em gái anh Hoàng gánh vác. Yêu quê hương sông nước miền Tây, muốn giữ gìn, phát huy nghề truyền thống đóng ghe tàu của gia đình, cô gái trẻ Út Nhỏ phải làm gì khi cha mất, anh chị của cô lại không mặn mà với nghề này?… Và vùng đất sông nước trong 29 tập của “Hương phù sa” đi theo tư tưởng hiền hòa ấy…Trong phim gây dung thành công hình ảnh sông nước miền Tây tấp nập cảnh chợ nổi, sông lãng mạn trong những cuộc hẹn hò và cũng mênh mang buồn khi con người chia tay. Với những con người đã “tắm mát cả đời” trên dòng sông quen thuộc, thì sông chính là “mẹ nước”, để khi vui buồn, hờn giận họ đều trút cạn nỗi lòng của mình nơi đây.
5.CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN (2010)
Đạo diễn: Nguyễn Phan Quang Bình
Dựa trên: Truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư
Phát hành: Vietnam Media Corporation – BHD
Độ dài: 108 phút
Phim mở đầu với cảnh một nhóm phụ nữ đuổi, đánh ghen trên xóm nhà ven sông. Người bị đánh ghen là Sương, một cô gái điếm với lý do là đã quyến rũ chồng người khác. Điền – một cậu bé động lòng thương đã ra tay giải cứu và đưa Sương về nhà mình, là một con thuyền trên sông. Sự xuất hiện của Sương như một làn gió mới thổi mát cuộc sống của ba con người miền Tây. Sự tần tảo, chịu thương chịu khó của người phụ nữ ấy đã đem đến cảm giác ấm áp, yêu thương cho chị em Điền, Nương nhưng không xóa tan được nỗi đau trong tâm hồn ông Võ. Cuộc sống của họ vẫn cứ trôi đi trong sự nặng nề, bế tắc và chẳng biết bao giờ mới có giây phút bình yên… Phim đã truyền tải những ý nghĩa, thông điệp về số phận của những thân phận long đong, chìm nổi ở nơi sông nước miền Tây Nam Bộ. Những cuộc hành trình bất tận trong cuộc đời họ trên từng cánh đồng vẫn mãi tiếp diễn với biết bao bi kịch đau thương nhưng chúng ta có thể nhận thấy sự ấm áp của tình người, tâm hồn cao đẹp của những con người tưởng như ở tận dưới đáy xã hội cũng như sự trong vắt của những đứa trẻ lớn lên cùng sông nước.
“Là trẻ con, đôi khi nên tha thứ cho lỗi lầm của người lớn” – câu nói kết thúc “hành trình bất tận” trong cả bộ phim lẫn truyện vẫn sẽ mãi làm thổn thức trái tim của biết bao khán giả và để lại những suy nghĩ bâng khuâng, khắc khoải khi nghĩ về hai từ: “đời người”.