Cồn Hô là điểm tham quan mới nhất ở Trà Vinh theo mô hình du lịch “tự thân”. Đến đây du khách sẽ được trải nghiệm không gian sống xanh đúng chất. Một cù lao không có điện, tách bạch với những ồn ào nơi đất liền. Nơi đó chỉ có vườn cây ăn trái cùng những con người hiền hòa, mến khách. Những nét hấp dẫn và độc đáo của một nền văn minh miệt vườn dường như hội tụ hết ở nơi đây.
Mục lục bài viết
ToggleCồn Hô ở đâu?
Cồn Hô ở Trà Vinh còn có tên khác là Cồn Cá Hô, do nhìn từ trên cao hoặc trên bản đồ nó có hình dạng giống như con cá hô.
Đây là một cù lao nhỏ nổi giữa dòng sông Cổ Chiên. Về hành chính thuộc ấp Mỹ Hiệp A, Xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
Từ trung tâm thành phố Trà Vinh đến Cồn Hô khoảng 20km, còn nếu đi từ cầu Cổ Chiên là 10km.
Trên Cồn Hô có gì?
Giống như nhiều cồn nổi khác trên dòng sông Cổ Chiên khi chảy qua Trà Vinh, Cồn Cô được hình thành do sự bồi lắng phù sa. Ngày xưa, diện tích của cù lao này lên đến 29 ha. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau trong đó có hiện tượng sạt lở bờ sông trong vài năm gần đây, nên đến nay diện tích của cồn chỉ còn lại khoảng 27 ha.
Trên Cồn Hô được phân chia thành nhiều mảnh xanh tốt, theo thống kê toàn cồn hiện thuộc sở hữu của 24 chủ đất. Tuy nhiên, các hộ thực sống thường trực trên này hiện chỉ khoảng 12 hộ gia đình. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau có một số hộ gia đình đã di chuyển vào đất liền định cư, khi nào có việc thì mới qua sông để làm vườn rồi về, hoặc dựng chòi tạm để lưu lại trong thời gian ngắn.
Cồn Hô có chiều dài trải dọc theo sông, từ điểm đầu đến điểm cuối khoảng 1,2km, chiều ngang hơn 300m. Nhà và vườn của các hộ dân nằm vắt ngang cù lao, có hai mặt giáp sông. Có một con đường làng chạy theo chiều dài của cù lao, chừng 01km được đắp bằng đất, vừa làm đê ngăn nước tràn vào vườn, vừa để đi lại. Hầu hết nhà dân đều xây nằm sát con lộ này. Với điều kiện giao thông như thế nên trên cồn người dân đi bộ là chính, không dùng phương tiện xe cộ nào cả.
Đa số các hộ dân trên Cồn Hô là bà con họ hàng xa gần, sống tình cảm, chan hòa và đoàn kết. Nhờ đó mà trên cồn rất an ninh, các nhà hầu như không cần phải khóa cửa. Người dân trên cồn sống chủ yếu bằng nghề trồng cây ăn trái với chủ đạo là bưởi da xanh. Ngoài ra còn có xen canh các loại cây ăn trái khác: cam, quýt, dừa, các loại thảo dược…Mỗi khi nông nhàn còn đi đánh bắt cá trên sông để kiếm thêm thu nhập.
Trên cồn hiện chưa có điện lưới quốc gia. Người dân dùng năng lượng mặt trời để thắp sáng. Ấn tượng với du khách khi đến đây sẽ bắt gặp lại những hình ảnh xa xưa của nông thôn miền Tây với hình ảnh chiếc đèn dầu le lói.
Cồn Hô có gì hay?
Cồn Hô là địa điểm “du lịch tự thân”. Nghĩa là tự người dân đầu tư các hạ tầng cần thiết, đầu tư sản phẩm để phục vụ nhu cầu tham quan – trải nghiệm của du khách. Tài nguyên, nguyên liệu cũng là từ trong vườn nhà, trên cù lao. Nhân sự cũng chính là những người nông dân miệt vườn chân chất nơi đây.
Vậy Cồn Hô có gì?
- Đến Cồn Hô là dấn thân vào các trải nghiệm ban sơ và chất nhất của đời sống miệt vườn miền Tây thời xa xưa.
- Cồn Hô là một màu xanh của miệt vườn, luôn tươi mát, cây trái trĩu quả.
- Một không gian sống tách biệt với đất liền, tách biệt với những ồn ào phố thị.
- Không khí yên bình, tĩnh lặng, không xe cộ, khói bụi.
- Con người hiền hòa, cởi mở, đôn hậu và rất hiếu khách.
- Đến Cồn Hô là trở về với một thời nông thôn miền Tây xa xưa, nơi du khách dễ dàng bắt gặp các hình ảnh: đèn dầu, bếp củi, con đò, bến nước, trò chơi dân gian, chân trần lội sình…
- Được thưởng thức cây trái miệt vườn, tươi ngon, được hái ngay từ trên cây.
- Ẩm thực với các món ăn dân giã, được nấu từ nguyên liệu tại chỗ, cũng là những trải nghiệm không thể bỏ qua.
Tham quan gì trên Cồn Hô?
Các hộ gia đình trên Cồn Hô đăng ký cung cấp một trải nghiệm riêng để không bị trùng lặp. Thời gian ở mỗi điểm tham quan thường từ 30 – 40 phút. Du khách nên tham quan theo quy trình với thứ tự các điểm như sau:
- Sau khi tàu cập vào một bến nhỏ ở đầu cồn, điểm đến đầu tiên sẽ là Nhà chú Hai Nguyên. Tại đây, du khách vừa được thưởng thức trà hoa đậu biếc, mứt dừa, đậu phộng luộc; trong khi đó nghe chủ nhà giới thiệu khái quát các thông tin về Cồn Hô.
- Đi dọc con đường nhỏ ra phía sau nhà, băng qua khu vườn bưởi thoảng hương thơm phức. Đến một căn nhà nhỏ cạnh bờ sông, du khách trải nghiệm ngâm chân với các thảo dược cây nhà lá vườn được nấu theo công thức gia truyền ở Vườn thảo dược Hai Trải.
- Lên đò, du khách xuôi dòng Cổ Chiên theo hướng về cuối cồn. Điểm đến tiếp theo là Nhà vườn Vũ Minh. Đây là điểm trải nghiệm các trò chơi dân gian rất quen thuộc với nông thôn miệt vườn: chèo xuồng ba lá, đá gà, câu cá. Cảm giác thật thú vị và thư giãn khi đong đưa trên những chiếc xích đu theo kiểu Ba li. Uống trái dừa xiêm ngọt ngào trong cái không khí trong lành để cảm nhận nhịp sống chầm chậm và bình yên của miệt vườn.
- Kế đó, du khách theo con đường mòn ven sông để đi bộ ngược về hướng đầu cồn. Qua Nhà vườn Tư Khen để thưởng thức món chè bưởi nước cốt dừa thơm ngon, béo ngậy.
- Qua nhà Tư Lập, xem quy trình nấu rượu truyền thống. Đặc biệt ở đây có những loại rượu ngâm các loại cây trái trên cồn tốt cho sức khỏe: rượu khổ qua, rượu chuối hột, rượu đủng đỉnh, rượu trái nhàu…
- Tại điểm Đặc sản Ba Khải, du khách nhấm nháp các loại mứt đặc sản Cồn Hô như: mứt bưởi, chuối khô, mứt dừa…
- Điểm cuối sẽ là Ẩm thực Ba Phi. Du khách thưởng thức các món ăn đặc sản miệt vườn được chế biển bởi đôi bàn tay khéo léo của Bác Ba gái. Nguyên liệu làm nên các món ăn này phần lớn được hái trong vườn, trên cồn, rất sạch và an toàn. Các món ăn tiêu biểu ở đây như: gỏi ngũ sắc, lẩu Ba Phi, vịt nấu chao…Đặc biệt, nếu tham quan vào buổi chiều tối, du khách sẽ được trải nghiệm trong cuộc sống không đèn điện, chỉ có ánh đèn măng – xông hay đèn dầu.
Thời gian tham quan thú vị nhất tại Cồn Hô là vào buổi chiều tối. Khi đó, du khách có thể vừa chiêm ngưỡng được hoàng hôn trên sông Cổ Chiên, vừa trải nghiệm sống trong không gian không đèn điện vào buổi tối.
Hướng dẫn đường đi Cồn Hô từ Trà Vinh
Từ trung tâm thành phố Trà Vinh có nhiều đường đi Cồn Hô.
Hướng 1: Trung tâm Trà Vinh – Võ Văn Kiệt – Trần văn Ấn – Hương lộ HL1 cập mạn hữu sông Cổ Chiên – thấy bảng Nhà thờ Họ Đạo Cá Hô quẹo phải vào khoảng 200m sẽ thấy bến đò bên tay trái. Lộ trình này có chiều dài khoảng 20km, phù hợp với các loại xe nhỏ từ 16 chỗ ngồi.
Hướng 2: Trung tâm Trà Vinh – QL53 – QL60 đến chân cầu Cổ Chiên rẽ trái theo hướng xã Đức Mỹ. Đến Nhà thờ Họ Đạo Cá Hô rồi theo hướng dẫn trên. Lộ trình này có chiều dài 30km thích hợp cho các loại xe lớn hơn.
Phương tiện qua Cồn Hô
Để đến được Cồn Hô từ đất liền, cách duy nhất là bằng đường sông với phương tiện ghe xuồng. Với các hộ gia đình thì nhà nào cũng có ghe xuồng riêng để qua lại đất liền, đi học, đi chợ, đi chơi. Với khách du lịch đến tham quan cồn, người dân có cung cấp các tàu theo dạng thuê riêng. Có tàu nhỏ đi được khoảng 06 – 08 khách/lượt. Giá thuê nguyên chiếc tầm 200.000đ/chuyến. Nếu nhóm khách lớn du khách có thể thuê tàu lớn có sức chứa đến 30 – 40 khách/lượt. Giá thuê loại tàu này tầm 500.000đ/chuyến. Thời gian từ đất liền qua cồn khoảng 05 phút.
Vì không phải lúc nào cũng thường trực đón, du khách nên liên hệ trước với chủ tàu để sắp xếp. Liên hệ Anh Phong: 0949.434.048 – 0789.567.621.
Những điểm tham quan ở Trà Vinh có thể kết hợp với Cồn Hô
Ngoài điểm du lịch tự thân Cồn Hô, khi đến Trà Vinh, du khách có thể kết hợp tham quan các điểm sau đây:
- Cụm thắng cảnh – di tích: Ao Bà Om là niềm tự hào của người dân địa phương, Chùa Âng là chùa Khmer cổ nhất ở Trà Vinh, Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer.
- Không gian Ký ức Văn hóa Du lịch Khmer Nam Bộ với nhiều hạng mục trải nghiệm hấp dẫn: đường bích họa, khu làng nghề truyền thống, Chùa Lò Gạch…
- Điểm tham quan Cồn Chim với mô hình du lịch dựa trên nguyên lý thuận thiên.
Tham khảo: Tour du lịch Cồn Chim – Trà Vinh 2 ngày [Trải nghiệm Cao Cấp]
Cồn Hô là điểm tham quan và trải nghiệm mới nhất ở Trà Vinh theo mô hình du lịch tự thân. Đến đây du khách sẽ được hòa mình trong không gian xanh của miệt vườn, nơi có những người dân chân chất và mến khách, một cuộc sống bình yên và cách xa với những xô bồ thường nhật. Cồn Chim ở Trà Vinh là một lựa chọn thật sự hấp dẫn khi du khách đi Tour du lịch miền Tây.