Những ngôi chùa nổi tiếng ở miền Tây

“Miền Tây ơi! Vựa lúa miền Nam hai mùa mưa nắng.
Miền Tây ơi! Sông nước Cửu Long chin nhánh phù sa…”

Nhắc đến miền Tây là gợi nhớ đến những cánh đồng lúa bao la xanh rì trong nắng, gió hoặc chín vàng vào mùa gặt, những vườn cây trái trĩu quả, những sông ngòi, kênh rạch mắc nối nhau ôm trọn mảnh đất miền Tây yên bình. Không những thế, đây còn là nơi quy tụ khá phong phú các chùa chiền với lối kiến trúc khác lạ, độc đáo thiên về xu hướng cách tân, phối hợp tinh tế từ nhiều nền mỹ thuật khác nhau trên thế giới như: Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Phương Tây,… tạo nên quần thể kiến trúc uy nghi và tôn vinh các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của từng địa phương nơi đây nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Dưới đây là những ngôi chùa nổi tiếng mà bạn nên tham quan khi đi tour du lịch miền Tây:

1. Chùa Vĩnh Tràng

Chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang

Cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 80km, Vĩnh Tràng được xem là ngôi chùa cổ danh tiếng và là một công trình kiến trúc đặc sắc của tỉnh Tiền Giang, tọa lạc trên một mảnh vườn cây ăn trái rộng gần 2 ha, đường Nguyễn Trung Trực, thuộc địa phận ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho.

Không giống như những ngôi chùa Việt Nam với mái uốn cong cùng những trạm khắc long phụng, chùa có sự đan xen, hòa quyện của kiến trúc Châu Á và Châu Âu rất riêng biệt.

Nét độc đáo nhất của chùa Vĩnh Tràng là cổng tam quan với nghệ thuật ghép mảnh sành, sứ do những nghệ nhân xứ Huế thực hiện vào năm 1933 theo kiểu cổ lầu. Từ màu sắc của các loại sành sứ, những nghệ nhân xưa đã khéo léo xếp đặt thành nhiều bức tranh minh họa sự tích nhà Phật, truyện tích dân gian, đề tài tứ linh, tứ quý, hoa lá, mây trờ,… với sự hòa sắc tuyệt vời như tranh vẽ.

Ngôi chùa được xây dựng theo dạng chữ “quốc” của Hán tự, gồm bốn gian nối tiếp nhau: Tiền đường, chánh điện, nhà tổ và nhà hậu. Chánh điện được xây dựng theo lối kiến trúc kết hợp Á – Âu với những hàng cột thanh mảnh vòm cong, có bộ phù điêu bát tiên cưỡi thú. Trên nóc chùa có 5 mái nhô cao, tượng trưng cho Ngũ hành theo quan niệm phương Đông.

Khuôn viên chùa trồng rất nhiều cây xanh, cây ăn trái và hồ nước tạo cảm giác thoải mái, yên bình. Xen lẫn giữa đó là những tháp đá cao lớn và các tượng Phật sinh động khiến bầu không khi thêm nét trang nghiêm, uy nghi của chốn cửa Phật.

Chùa Vĩnh Tràng được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1984.

2. Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam tọa lạc tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ vừa được khánh thành ngày 17/ 5/2014, thuộc khuôn viên khu Di tích lịch sử Lộ Vòng Cung. Thiền viện được xây dựng với tổng diện tích rộng 4 ha, là Thiền viện lớn nhất Đồng bằng Sông Cửu Long được xây dựng bằng lối kiến trúc Phật giáo thời Lý – Trần do Đại đức Thích Bình Tâm làm trụ trì.

Toàn bộ các công trình đều được lợp mái ngói với những sắc thái khác nhau tạo nên sự hài hòa chung trong kết cấu tổng thể: Chánh điện lợp ngói 8 mái của Nhà Trần, Tổ điện lợp ngói 4 mái thời Lý triều, Lầu Trống và Gác Chuông lợp ngói 12 mái … Vách tường làm bằng gạch, nền và lối đi lát gạch tàu, khung cột được làm từ gỗ lim, tạo nên vẻ trang nghiêm của chốn hành hương, thờ cúng tâm linh.

Riêng tượng Phật Thích Ca Mâu Ni thờ trong chánh điện được làm bằng đồng, nặng 3,5 tấn; đại hồng chung nặng 1,5 tấn. Tượng Bồ Tát và các vị tổ sư được tạc bằng gỗ Du Sam có tuổi thọ 800 năm. Khuôn viên được bài trí cân đối như: Quan Âm điện, Di Lặc điện (Thủy tạ), Chùa Một Cột, Giảng đường, Khách đường, Trai đường, Thư viện, phòng Đông y Nam dược…

Một điều đặc biệt nữa là ngoài tôn tượng Đức Phật Thích Ca niêm hoa vi tiếu bằng đồng thì toàn bộ hệ thống tượng thờ của triền viện đều làm từ gỗ Thủy Tùng.

3. Chùa Dơi

Chùa Dơi Sóc Trăng

Cách trung tâm thành phố chừng 2km, chùa Dơi là một ngôi chùa cổ có kiến trúc đặc sắc bậc nhất ở Sóc Trăng, được xây dựng cách đây 400 năm, lưu giữ khá nhiều báu vật quý giá như pho tượng đức Phật cổ bằng đá cao 1,5m cùng nhiều bộ kinh luật viết trên lá cây thốt nốt và chiếc đèn dầu cổ.
Chùa Dơi là một tổng thể kiến trúc gồm có: Ngôi chánh điện, Sala, nhà hội của sư sãi và tín đồ, phòng ở của sư sãi và trụ trì, các tháp để tro người chết, phòng khách… Toàn bộ các công trình toạ lạc trong một khuôn viên rộng có nhiều cây cổ thụ, diện tích khoảng 4 ha.

Một sự kiện lạ và độc đáo mà không ở chùa nào có được, đó chính là heo năm móng và dơi là những động vật rất gần gũi với chùa, dơi không những treo mình trên cây mà còn được các vị sư chăm sóc và thuần hóa.

Bên cạnh đó, ngoài chức năng thoả mãn nhu cầu sinh hoạt của đời sống tâm linh, hướng con người đến chân – thiện – mỹ, làm điều hay lẽ phải, làm việc thiện, tích phúc cho đời, Chùa Dơi còn là trung tâm sinh hoạt giáo dục – văn hoá và các lễ thức cúng kiếng, lễ hội của đồng bào Khmer, vừa là tụ điểm sinh hoạt văn hoá của cộng đồng cư dân địa phương.

Ngày 12 tháng 02 năm 1999, Bộ Văn hóa – Thông tin đã ra Quyết định số 05/1999/QĐ-BVHTTcông nhận Chùa Dơi là di tích nghệ thuật cấp quốc gia.

4. Chùa Đất Sét

 

Chùa Đất Sét Sóc Trăng

Chùa Đất Sét hay còn gọi là Bửu Sơn Tự tọa lạc tại 286 đường Tôn Đức Thắng, thuộc phường 5, thành phố Sóc Trăng. Sở dĩ có tên này là bởi vì hầu hết những bức tượng thờ ở đây đều làm từ đất sét, tuy nhiên chúng lại vô cùng chắc chắn như được làm từ kim loại. Chùa Đất Sét được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 và người có công kiến tạo, xây đắp ngôi chùa là ông Ngô Kim Tòng – trụ trì đời thứ lập để tu tại gia nên chùa không có sư, không nhận tiền công đức của khách thập phương

Trong chính điện của chùa thờ rất nhiều tượng Phật, đặc biệt và lạ lùng nhất là Tháp đa bảo 13 tầng bởi tháp được đắp bằng đất sét mà không nghiêng lệch gì. Cạnh Tháp Đa Bảo có Bảo tòa thỉnh Phật gồm có một tòa sen gồm 1.000 cánh sen và trong lòng 1.000 cánh sen lại có 1.000 vị phật nhỏ xíu ngồi tọa thiền.

Đặc biệt trong chùa có 8 cây nến: 6 cây lớn chưa đốt và 2 cây nhỏ hơn đang cháy. Trọng lượng mỗi cây nến lớn khoảng 200kg, cao 1,6m, ước cháy liên tục khoảng 70 năm. Hai cây nến nhỏ đã cháy từ khi ông Ngô Kim Tòng qua đời, năm 1970, dự kiến thời gian cháy hết khoảng 35 năm, nhưng năm 2006 vẫn đang cháy và có thể cháy tiếp vài năm nữa. Tại đây còn có 3 cây hương (nhang) mỗi cây cao 1,5m chưa đốt.

5. Chùa Chén Kiểu

Chùa Chén Kiểu Sóc Trăng

Chùa Chén Kiểu hay còn gọi là chùa Sà Lôn, tọa lạc bên Quốc lộ 1A, cách Trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 12 km về hướng Bạc Liêu, nay thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng . Đây là ngôi chùa gốm cổ nhất Đồng bằng sông Cửu Long có thiết kế khá đặc biệt khi được ốp bằng những mảnh vỡ của chén, dĩa kiểu tạo nên những bức tranh đa sắc, sinh động. Chùa được xây cất bằng lá vào năm 1815. Đến năm 1969, chùa được xây dựng lại với thiết kế như hiện nay.

Tuy là công trình của người Khmer nhưng chùa Chén Kiểu lại thể hiện sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ của 3 dân tộc anh em. Họa tiết rồng, bệ thờ của người Hoa được chạm khắc tinh xảo, hình ảnh phụ nữ Kinh đội nón lá, tượng rắn và chim thần uy nghiêm của người Khmer kết hợp hài hòa càng làm nổi bật lên vẻ tôn nghiêm, lấp lánh của ngôi chùa này.

Đến với chùa Chén Kiểu, ngoài việc ngắm nhìn kiến trúc độc đáo của chùa, tìm hiểu văn hóa người Khmer, du khách còn có thể chiêm ngưỡng một phần gia sản của công tử Bạc Liêu – người nổi tiếng một thời của vùng lục tỉnh, đó là chiếc tủ cẩn xà cừ, bộ Trường kỷ cùng 02 chiếc giường ngủ mùa đông và mùa hè, được nhà chùa mua lại vào năm 1947, với giá lúc bấy giờ là trên 2.000 giạ lúa. Số đồ này được xem là những món đồ cổ quý giá, được làm từ loại gỗ tốt, cẩn xà cừ và chạm khắc rất công phu, tỉ mỉ. Có người đã trả giá khá cao để mua số đồ này nhưng chùa không bán.

Vẫn còn đó, những công trình kiến trúc phật giáo đặc sắc và mang đậm yếu tố tâm linh của mảnh đất miền Tây hiền hòa, luôn cởi mở đón chào các vị khách phương xa đến và cảm nhận những điều đặc sắc khá lạ lẫm nhưng cũng rất thân quen. Còn chần chờ gì nữa,… lên kế hoạch khám phá Miền Tây và tận hưởng thôi!!!

Liên hệ tư vấn & đặt tour miền Tây

Facebook
Pinterest
Twitter