Châu Đốc (An Giang) là một điểm đến du lịch nổi tiếng với cụm di tích lịch sử, văn hóa dưới chân núi Sam. Tại đây có ngôi chùa độc đáo mang tên Tây An Cổ Tự. Đây là ngôi chùa thú vị với kiến trúc giao thoa giữa 2 nền văn hóa Việt cổ và Ấn Độ. Cho tới nay, Tây An Cổ Tự vẫn là một địa điểm rất đẹp để tham quan, chiêm bái và check in.
Mục lục bài viết
ToggleTây An Cổ Tự nằm ở đâu? Đi như thế nào?
Bản đồ vị trí của ngôi chùa
Chùa Tây An nằm ở ngã 3 dưới chân núi Sam, rất gần với miếu Bà Chúa Xứ, chùa Phước Điền (chùa Hang) và lăng Thoại Ngọc Hầu gần đó. Địa chỉ: phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Theo một số thông tin cho biết, chùa Tây An là ngôi chùa do một vị quan triều Nguyễn (tổng đốc Doãn Ẩn) xây dựng. Chuyện kể rằng khi ông được triều đình phái đi Cao Miên thì ông đã khấn, nếu chuyến đi thành công thì ông sẽ xây dựng một ngôi chùa dưới chân núi Sam để tạ ân. Chùa được xây dựng năm 1847, đời vua Minh Mạng.
Tây An Cổ Tự có gì hay?
Tây An Cổ Tự là một ngôi chùa Phật giáo, thuộc phái Bắc Tông. Ngôi chùa này được biết đến là nơi giao thoa giữa hai nền kiến trúc Việt cổ và Ấn Độ. Công trình có sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc với cảnh trí thiên nhiên tạo cho không gian của ngôi chùa đẹp như tiên cảnh.
Chùa Tây An có kiến trúc với nền cao, thoáng rộng, diện tích khoảng 1.5ha. Toàn bộ công trình có 3 cửa: cửa giữa tam quan thờ tượng Phật Quan Âm, hai bên cửa có hai bảng đề “Tây An cổ tự”. Trong sân chùa có một cột cờ cao 16m.
Phía sau chùa có núi Sam tọa lạc như một bức bình phong. Phía mặt trước chùa nổi bật là 3 tòa cổ lầu có nóc tròn hình củ hành thường thấy trong kiến trúc Ấn Độ. Trong khi 2 bên tháp có phần dưới vuông theo kiểu kiến trúc chùa tháp Việt Nam. Bốn cột tháp ở tầng dưới có các hộ pháp trấn giữ.
Các vật liệu xây dựng là gạch ngói, xi măng đơn giản: mái lợp ngói đại ống, cột gỗ căm xe, nền nhà lát gạch bông. Cả ngôi chùa là một bức tranh quyện hòa bởi những màu sắc rực rỡ. Trong chùa có khoảng 150 bức tượng Phật, Bồ tát, La hán, Bát bộ kim cang, Ngọc hoàng, Huỳnh đế… Tất cả đều được chạm trổ rất công phu, tỉ mỉ, tiêu biểu cho phong cách điêu khắc Việt Nam hồi thế kỷ 19. Trong chùa còn có rất nhiều hoành phi, câu đối kiểu thuần Việt.
Năm 1861, chùa được ngài Nhất Thừa tổ chức trùng tu chánh điện và hậu tổ. Cho đến nay, kiến trúc chùa đã được trùng tu nhiều lần. Diện mạo của chùa ngày nay đã được sửa lần cuối vào năm 1958 bởi Hòa thượng Thích Bửu Thọ (1893–1972). Từ năm 1993, các công trình khác được xây thêm và trùng tu để phục vụ khách hành hương hàng năm.
Chùa Tây An đã được Bộ Văn hóa xếp hàng là di tích “kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia” ngày 10/ 07/ 1980. Không những vậy, nó cũng được trung tâm kỷ lục Việt Nam xác nhận là “ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam”.
Hiện nay, chùa Tây An cũng là một cơ sở có nhiều đóng góp công tác xã hội và từ thiện cho địa phương.
Nguồn gốc tên gọi
Về cái tên chùa Tây An, nhiều người cho rằng nó xuất phát từ vị trí ngôi chùa nằm ở phía Tây thành An Giang. Cũng có người cho rằng vì ật liệu từ Trấn Tây, Tây Thành và xây cất trên đất An Giang nên mới thành ra tên chùa như thế. Một thuyết khác thì cho rằng, Tây An có nghĩa là mong ước cho vùng đất miền Tây đất nước được an bình.
Các điểm tham quan gần Tây An Cổ Tự
Tây An Cổ Tự là một trong những địa điểm tham quan hot trong tour du lịch Châu Đốc nói riêng, tour du lịch An Giang nói chung. Gần Tây An Cổ Tự là một cụm các điểm tham quan, du lịch nổi tiếng dưới chân núi Sam. Đó là miếu Bà chúa Xứ Châu Đốc, là lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Hang, Chùa Huỳnh Đạo, v.v… Bạn có thể kết hợp chuyến tham quan 1 vòng khu vực này trong cùng một buổi.
Bên cạnh cụm di tích, điểm tham quan dưới chân núi Sam, du khách khi đi chùa Tây An còn có thể tranh thủ ghé thăm các địa điểm nổi tiếng trong và quanh Châu Đốc. Cụ thể như:
- Chợ Châu Đốc – vương quốc mắm
- Làng bè cá nổi Châu Đốc – nơi từng mang thương hiệu cá Việt nổi tiếng trên trường quốc tế
- Một trong các Làng Chăm: Làng Chăm Châu Giang, Làng Chăm Châu Phong, Làng Chăm Đa Phước
- Rừng Tràm Trà Sư (Tịnh Biên, An Giang) – viên ngọc xanh của An Giang
- Chùa Lầu – ngôi chùa sống ảo tuyệt đẹp
- Chùa Bánh Xèo – ngôi chùa tặng bánh xèo chay miễn phí
Các khách sạn gần Tây An Cổ Tự
Khu vực dưới chân núi Sam và khu vực trung tâm thành phố Châu Đốc (chợ Châu Đốc) rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn từ giá rẻ, bình dân đến cao cấp. Đặc biệt xung quanh khu vực chân núi Sam, nhà nghỉ giá rẻ để phục vụ khách hàng hương rất đông. Tuy nhiên nếu mục đích chuyến đi của bạn là để tham quan, du lịch thì nên chọn ở khách sạn và nên ở xa khu vực chân núi Sam. Lý do là khu vực này đông đúc và khá phức tạp, ồn ào. Để nghỉ ngơi, bạn nên chọn các khách sạn hướng trung tâm thành phố Châu Đốc, gần chợ Châu Đốc để tiện đi bộ tham quan buổi tối.
Các khách sạn mà bạn có thể tham khảo:
- Khách sạn Bến Đá Núi Sam
- Khách Sạn Hạ Long
- Khách Sạn Á Châu 7
- Khách Sạn Huệ Bình
- Ha Long Hotel
- Khách sạn Hoàng Mai
- Khách Sạn Hoàng Đức
- The Luxe Hotel Châu Đốc
- Khách sạn Victoria Châu Đốc
- Khách Sạn Bảo Bảo
- Khách Sạn Sông Sao
- Khách Sạn Hải Châu
- Khách Sạn Thanh Bình
- Khách sạn Ngọc Phú