Rừng Tràm Trà Sư (An Giang): Kinh nghiệm du lịch tự túc đầy đủ nhất

Nếu để bầu chọn một điểm du lịch đẹp nhất của tỉnh An Giang thì chắc chắn đó sẽ là Rừng Tràm Trà Sư. Đây là khu du lịch sinh thái được hình thành dựa trên một khu rừng ngập nước đặc dụng tiêu biểu ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Có nhiều hạng mục tham quan rất hấp dẫn ở Rừng Tràm Trà Sư đã được đầu từ và đang dần hoàn thiện để phục vụ khách du lịch. Đến đây, du khách sẽ có cơ hội chinh phục 02 kỷ lục Quốc gia đó là “Cầu tre dài nhất Việt Nam trong rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam”. Ngoài ra, đi tắc ráng xuyên sâu vào trong rừng, ngồi xuồng ba lá vào sân chim hay lên tháp cao để bao quát toàn cảnh cũng là những trải nghiệm tuyệt vời không thể bỏ qua. Không chỉ vào mùa nước nổi, Rừng Tràm Trà Sư có thể nói là đẹp quanh năm.

Giới thiệu rừng Tràm Trà Sư

Rừng Tràm Trà Sư là khu rừng kết hợp du lịch sinh thái tọa lạc tại 3 xã  Văn Giáo, xã Văn Trung, huyện Tịnh Biên, và một phần của xã Ô Long Vỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Đây là khu rừng ngập nước tiêu biểu bởi vẻ đẹp hoang sơ và non nước hữu tình. Rừng có diện tích rộng lớn với khoảng 845 ha với đa phần là cây tràm cao từ 5-8 m sinh sống và phát triển cùng hơn 70 loài chim trong đó có 2 loài chim quý hiếm như giang sen và điên điển phương Đông đã được ghi vào Sách đỏ cùng đa dạng các loài thực vật khác sinh sống tại đây. 

Rừng Tràm Trà Sư được hình thành từ một vũng trùng bị nhiễm phèn nặng và được Lâm trường Tịnh Biên trồng cây tràm để cải tạo đất và chống lũ từ năm 1983. Vào năm 2003, tỉnh An Giang ra quyết định phê duyệt khu bảo vệ cảnh quan để đáp ứng nhu cầu du lịch sinh thái và công tác nghiên cứu, bảo tồn và duy trì các loài động – thực vật quý hiếm. Đến nay, rừng có vai trò rất quan trọng đối với nguồn nước, điều hòa khí hậu, có giá trị vô cùng to lớn về sinh học và cảnh quan thiên nhiên. Chính vì thế, Rừng Tràm Trà Sư sẽ là một điểm đến lý tưởng cho hành trình hướng về miền Tây.

Rừng Tràm Trà Sư ở đâu?

Rừng tràm Trà Sư

Khu du lịch sinh thái Rừng Tràm Trà Sư ở An Giang thuộc địa phận của 2 huyện, đó là xã Văn Giáo của huyện Tịnh Biên và xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú.

Rừng Tràm Trà Sư như một viên ngọc xanh bừng sáng lên giữa cánh đồng bát ngát của vùng Tứ Giác Long Xuyên rộng lớn, bên cạnh dãy Thất Sơn hùng vĩ với nhiều ngọn núi cao, nơi gắn liền với những câu chuyện huyền tích thú vị còn lưu truyền đến tận ngày nay.

Khu du lịch sinh thái Rừng Tràm Trà Sư được hình thành và quy mô như thế nào?

Khu rừng tràm rợp bóng mát.
Ảnh: trandt.zy

Trước thập niên 80 của thế kỷ trước, cũng giống như phần lớn của vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên rộng lớn, khu vực này là một vùng trũng hoang hóa, đất đai bị nhiễm phèn nặng nên gần như bị xem là đất chết, không thể trồng lúa hay bất cứ loại hoa màu nào khác.

Đến 1983, chính quyền địa phương đã tổ chức cho tiến hành trồng thử nghiệm cây tràm với mục đích là để ngăn bớt sự hung hãn của con lũ đầu nguồn cũng như góp phần cải tạo đất đai. Một động thái có nghĩa nhằm hồi sinh vùng đất này.

Vào năm 2003, xét thấy khu rừng phát triển nhanh và đã hình thành nên hệ sinh thái đặc trưng nên chính quyền địa phương đã đề xuất lên Trung ương biến nơi này trở thành khu Bảo tồn thiên nhiên để phục vụ công tác nhiên cứu. Cũng từ đó, Rừng Tràm Trà Sư trở thành điểm tham quan thu hút khá nhiều khách du lịch.

Trong xu hướng xã hội hóa các hoạt động du lịch, năm 2017 địa phương đã cho Tập đoàn Sao Mai mà trực tiếp là công ty con trong hệ thống là Công ty Cổ phần du lịch An Giang thuê lại gần 160ha cảnh quan thiên nhiên (trong tổng diện tích gần 850ha rừng) để đầu tư mạnh mẽ và bài bản nhằm phát triển du lịch, khai thác và tận dụng các giá trị to lớn của khu rừng mang lại. Sự thật là cho đến nay Khu du lịch sinh thái Rừng Tràm Trà Sư đã trở thành điểm du lịch có tiếng nhất không chỉ trong tỉnh An Giang mà cả miền Tây Nam bộ.

Đến Rừng Tràm Trà Sư tham quan cái gì?

“Cầu tre vạn bước”
  • Rừng Tràm Trà Sư là “rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam” – đây là danh hiệu mà Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận vào đầu năm 2020. Nhiều du khách đã trầm trồ rằng hầu như góc ngách nào cũng có thể là nơi để “sống ảo”, có lẽ vì thế mà hàng năm nơi đây đón hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan.
  • Rừng Tràm Trà Sư có “cầu tre vạn bước” cũng được ghi nhận là “Cầu tre dài nhất Việt Nam trong rừng tràm”. Chiếc cầu tre này có tổng chiều dài trên 10km xuyên vô rừng tram với kinh phí đầu tư hơn 10 tỉ đồng. Đến thời điểm hiện tại (tháng 2/2020) du khách đã có thể chinh phục được gần 04km. Riêng giai đoạn 1 này thôi nhà đầu tư đã bỏ ra đến 5 tỉ đồng với việc sử dụng trên 500.000 cây tre các loại. Dự kiến giai đoạn 2 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng dịp 30/4/2020 với chiều dài cầu là 06km.
  • Rừng Tràm Trà Sư có hệ sinh thái động thực vật phong phú, tiêu biểu cho một khu rừng ngập nước của miền Tây Nam bộ. Tràm là loại cây chiếm số lượng nhiều nhất ở đây, mùi hương hoa tràm sẽ giúp du khách có cảm giác sảng khoái đầu óc quên đi những lo toan của cuộc sống hàng ngày. Trên những ngọn tràm cao vút là thế giới riêng của nhiều loại chim cò làm tổ, cùng với đó là những con thú nhỏ quý hiếm khác. Trên mặt nước là không gian của lục bình, sen, súng, bèo tấm, kèo nèo. Dưới nước là điều kiện lý tưởng để cá tôm sinh sôi phát triển.
  • Rừng Tràm Trà Sư có sân chim là không gian riêng của nhiều loại chim đến cư ngụ, làm tổ, ấp trứng. Điều may mắn là du khách được tiến sâu vào trong sân chim để tận mục chứng kiến khung cảnh rất xúc động khi nhìn thấy cảnh các chú chim mẹ đang mớm rồi, ấp trứng, tất cả diễn ra một cách tự nhiên ngay trên đầu của ta.
  • Lên tháp canh để phóng tầm mắt bao quát khung cảnh bao la, xanh ngút ngàn của rừng tràm, cuối trời là cánh đồng lúa mênh mông của Tứ Giác Long Xuyên, một góc khác là dãy Thất Sơn huyền bí với ngọn Thiên Cấm Sơn hùng vĩ.
  • Cầu Tình Yêu trong Rừng Tràm Trà Sư sẽ là nơi lãng mạn để lưu lại những khoảng khắc, những kỹ niệm đẹp của bất kỳ đôi lứa yêu nhau.
Cầu tình yêu trong rừng tràm

Giá vé Rừng Tràm Trà Sư là bao nhiêu? Gồm những loại gì?

Vé tham quan Rừng Tràm Trà Sư được chia thành ba loại giá tương ứng với ba dịch vụ chính:

  • Vé cổng bắt buộc: 100.000đ/khách. Với vé này thì du khách được tham quan toàn khu rừng tràm, trong đó có “cầu tre vạn bước”.
  • Vé dịch vụ tham quan bằng xuồng máy (tắc ráng): 50.000đ/khách. 
  • Vé dịch vụ tham quan bằng xuồng ba lá: 50.000đ/khách.
  • Ngoài ra còn có Cầu Tình Yêu: 15.000đ/khách.

Vé chỉ có một mệnh giá áp dụng cho ngươi lớn hoặc cao từ 1m3, thấp hơn thì được miễn phí vé.

Quy trình Rừng Tràm Trà Sư hoàn hảo nhất

Vì diện tích Rừng Tràm Trà Sư khá lớn, nên ngoài vé cổng bắt buộc, du khách nên mua thêm vé tham quan bằng xuồng máy để có thể trải nghiệm và ngắm nhìn được hết nét đẹp của rừng tràm. Ngoài ra, trải nghiệm tham quan bằng xuồng chèo cũng là một nét hấp dẫn đáng để thưởng thức khi đến với Rừng Tràm Trà Sư

Quy trình tham quan Rừng Tràm Trà Sư trọn vẹn nhất như sau:

  • Sau khi mua vé tại cổng chính đặt ngay bờ kênh Trà Sư, du khách sẽ xuống bến thuyền phía sau nhà sàn bán vé để được thuyền máy trung chuyển qua bờ đối diện bên kia, chính thức bước vào khu du lịch sinh thái Rừng Tràm Trà Sư. Du khách lưu ý là nếu có ý định tham quan tất cả các dịch vụ thì mua vé một lần tại đây luôn để tránh mất thời gian quay lại mua nhiều lần, vì là điểm bán duy nhất.
  • Điểm đầu tiên là khu vực đón tiếp với nhiều tiểu cảnh đẹp rất lý tưởng để chụp hình check in: mô hình thành phố thu nhỏ với các tổ chim bồ câu, khung cảnh cất vó, sân ngắm hoàng hôn…là không gian sống ảo cực kỳ chất lượng của các bạn trẻ. 
Mô hình thành phố thu nhỏ với các tổ chim bồ câu.
Ảnh: henry.duong
  • Tiếp đến sẽ là khu vực công viên hoa, các công trình tiểu cảnh trải dọc xuống đường đi ra bến xuồng máy. Tại khu vực này là điểm xuất phát của các trải nghiệm chính trong rừng:

+    Điểm bắt đầu để chinh phục “cây cầu vạn bước”. Du khách cân nhắc sức khỏe của mình để quyết định thời gian và độ dài khi chinh phục cầu vì còn rất nhiều hạng mục hấp dẫn khác nữa.

+    Cũng từ đây, du khách lên tắc ráng (xuồng máy) đưa du khách đi khoảng 30 phút tiến sâu vào trung tâm rừng tràm. Trong quá trình di chuyển du khách sẽ ngoạn cảnh đẹp của từng mảng bèo tấm phủ xanh rì mặt nước, từng vạt sen súng vươn lên mặt nước để điểm tô thêm vẻ đẹp yên bình bởi những bông hoa tím, trắng. Nếu may mắn, du khách còn có thể bắt gặp hình ảnh một chú cò đang bắt cá, hay những con chim trích cồ đang đứng rỉa lông bên bờ nước cạn. 

Những mảng bèo xanh rì tuyệt đẹp
  • Điểm cuối hành trình tham quan bằng tắc ráng nằm ngay khu vực tháp quan sát. Tại đây, du khách nào có mua vé đi xuồng ba lá sẽ tiếp tục trải nghiệm dịch vụ này để vô sân chim.
Đi xuồng ba lá tham quan sân chim.
Ảnh: hangnguyen20vn
  • Nếu không, hãy rẽ trái, đi theo con đường hai bên rợp bóng tràm mát rượi để đến khu vực Cầu Tình Yêu và Tháp quan sát. Cầu Tình Yêu nằm len lỏi trong cánh rừng tràm tĩnh lặng. Cầu được trang trí khá dễ thương, là điểm check in thú vị cho các cặp đôi yêu nhau. Đi thêm vài bước bạn sẽ đến vị trí tháp quan sát. Tháp có 5 tầng với chiều cao là 14m. Đứng từ vị trí này, du khách hoàn toàn có thể ngắm nhìn nét đẹp thiên nhiên của Rừng Tràm Trà Sư  một cách bao quát nhất.
Đài quan sát rừng tràm Trà Sư.
Ảnh: thha.ngg
  • Để tham quan toàn bộ Rừng Tràm Trà Sư du khách sẽ mất ít nhất là 02 giờ đồng hồ.  

Tham quan Rừng Tràm Trà Sư vào mùa nào thì đẹp nhất?

  • Có thể tham quan Rừng Tràm Trà Sư vào bất kể thời gian nào trong năm vì ở đây không bị ảnh hưởng nhiều bởi các tác động của thời tiết.
  • Tuy nhiên, theo nhiều du khách đánh giá thì thời điểm tham quan Rừng Tràm Trà Sư đẹp nhất trong năm là khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 dương lịch hàng năm. Đây cũng là giai đoạn “mùa nước nổi” ở miền Tây, khi mà phần lớn diện tích đất bị ngập nước, tạo nên những khung cảnh thật kỳ thú.

Hướng dẫn cách đi tự túc đến Rừng Tràm Trà Sư.

Ngoài các tour của các công ty du lịch, thì du khách cũng có thể tự túc đi tham quan Rừng Tràm Trà Sư. Dưới đây là các thông tin chia sẻ.

Than khảo Tour Tràm Trà Sư của Công ty Du lịch Trippy:

Phương tiện đi Rừng Tràm Trà Sư

Không có chuyến xe buýt công cộng hay xe khách nào đi ngang qua nên nếu đi tham quan tự túc Rừng Tràm Trà Sư thì du khách có thể đi bằng phương tiện cá nhân hoặc là kết hợp giữa các loại phương tiện (xe khách/xe buýt + xe máy/taxi…).

Nếu đi Rừng Tràm Trà Sư bằng xe buýt hoặc xe khách thì du khách buộc phải đi các chuyến xe đến một trong những khu vực có bến xe ở An Giang rồi thuê xe máy hoặc xe taxi đi tiếp. Du khách có thể bắt các chuyến xe đi thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc, thị trấn Tri Tôn hoặc thị trấn Nhà Bàng (huyện Tịnh Biên).

Từ Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) đi Rừng Tràm Trà Sư

Từ Sài Gòn du khách đi Rừng Tràm Trà Sư tự túc có thể bắt xe khách đến Long Xuyên hoặc Châu Đốc.

+    Sài Gòn – Long Xuyên: 190km. Như vậy từ Sài Gòn đi Long Xuyên và Rừng Tràm Trà Sư là 270km.

+    Sài Gòn – Châu Đốc: 250km. Như vậy từ Sài Gòn đi Châu Đốc và Rừng Tràm Trà Sư là 276km.

+    Cách đi xe khách từ Sài Gòn đến Long Xuyên hoặc Châu Đốc: Xuất phát từ Bến xe miền Tây đến Bến xe Long Xuyên theo lộ trình: QL 1 – cao tốc Trung Lương – QL 1 – Cầu Mỹ Thuận – QL 80 – Cầu Vàm Cống – QL 91 – Long Xuyên – nếu đi tiếp 60km là đến Châu Đốc. 

+    Thời gian đi xe khách Sài Gòn – Long Xuyên khoảng 05 giờ, đến Châu Đốc khoảng 06 giờ.

+    Từ Long Xuyên hoặc Châu Đốc đi Rừng Tràm Trà Sư thì theo hướng dẫn trên.

+    Nếu đi xe cá nhân du khách có thể đi khám phá cung đường QL 62 từ thành phố Tân An (Long An) – QL N2 – Thành phố Cao Lãnh – Phà An Hòa – Long Xuyên – Châu Đốc.

Từ thành phố Cần Thơ đi Rừng Tràm Trà Sư

Từ Cần Thơ du khách đi Rừng Tràm Trà Sư tự túc có thể bắt xe khách hoặc xe buýt tuyến đi Long Xuyên hoặc Châu Đốc.

+    Khoảng cách Cần Thơ – Long Xuyên: 70km. Như vậy nếu đi từ Cần Thơ đến Rừng Tràm Trà Sư bằng ngã Long Xuyên thì cự ly là 150km, mất khoảng 03 – 04 tiếng.

+    Khoảng cách Cần Thơ – Châu Đốc: 130km. Nếu đi từ Cần Thơ đến Rừng Tràm Trà Sư bằng ngã Châu Đốc thì cự ly là 156km, mất khoảng 04 tiếng.

Từ Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Lạt đi Rừng Tràm Trà Sư.

Du khách từ các vùng miền khác như Hà Nội/ Hải Phòng (hoặc các tỉnh miền Bắc), từ Đà Nẵng/Nghệ An/Thanh Hóa (hoặc các tỉnh miền Trung) đi Rừng Tràm Trà Sư thì phương tiện tối ưu nhất sẽ là đi máy bay vô sân bay Cần Thơ hoặc sân bay Tân Sơn Nhất rồi theo các cách hướng dẫn như trên để đi tiếp.

Hiện nay có nhiều chuyến bay trong nước đến Cần Thơ nên lời khuyên là du khách nên đi Rừng Tràm Trà Sư từ đây vì khoảng cách ngắn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian. 

Từ thành phố Long Xuyên đi Rừng Tràm Trà Sư

  • Khoảng cách Long Xuyên – Rừng Tràm Trà Sư: gần 80km.
  • Cách đi: Long Xuyên là thành phố trung tâm của tỉnh An Giang. Từ đây đi theo QL 91 đến ngã 3 Vòng xoay Lộ Tẻ rẽ phải theo tỉnh lộ DT 941 theo hướng về thị trấn Tri Tôn, rồi tiếp tục theo tỉnh lộ DT948 hướng đi thị trấn Nhà Bàng – QLN1. Vừa qua UBND xã Vĩnh Trung một đoạn (khu vực Đua bò Bảy Núi) du khách sẽ thấy bảng hướng dẫn, quẹo phải khoảng 4km là đến cổng bán vé.

Từ thành phố Châu Đốc đi Rừng Tràm Trà Sư.

  • Khoảng cách Châu Đốc – Rừng Tràm Trà Sư: 26km.
  • Cách đi: Từ Châu Đốc đi theo đường Tân Lộ Kiều Hương vòng qua Núi Sam rồi QL 91 theo hướng đến thị trấn Nhà Bàng, rẽ trái theo tỉnh lộ DL948, vừa qua UBND xã Văn Giáo có bảng hướng dẫn quẹo trái vào đến cổng.

Đến Rừng Tràm Trà Sư ăn đặc sản gì?

Đi tham quan Rừng Tràm Trà Sư sẽ không sợ đói! Ở đây có đầy đủ dịch vụ để phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách, từ những món đặc sản đặc trưng đến những món ngon dân giã.

Chuột đồng nướng, món ăn đặc sản miền Tây

Trong khuôn viên của Khu du lịch sinh thái Rừng Tràm Trà Sư có hai nhà hàng ẩm thực để du khách lựa chọn. Một là nhà hàng Út Thảo nằm ngay cạnh bến xuồng máy sau khi qua cổng. Hai là nhà hàng Trà Sư nằm ngay cạnh vị trí tháp quan sát. Có nhiều món đặc sản miền Tây như: cơm gạo huyết rồng, chuột đồng, cá lóc nướng; lẩu chua cá linh bông điên điển, cá hú nấu bông súng, gà nướng phết mật ong hoa tràm…Vừa được ngồi dưới những chòi lá mát rượi ngắm nhìn cảnh vật thiên nhiên, vừa thưởng thức các món đặc ngon địa phương chắc chắn là trải nghiệm khó quên với du khách.

Cá lóc nướng trui

Ngoài ra, xuyên suốt con đường tham quan trên “cây cầu vạn bước”, du khách có thể dễ dàng tìm thấy những món ăn vặt khá lạ miệng, đó là: bánh bò thốt nốt, chuối đập nước cốt dừa, bắp nướng mỡ hành…Đặc biệt, du khách sẽ có dịp thưởng thức ly nước thốt nốt mát lạnh, được chế biến từ loại quả đặc trưng nhất của vùng đất An Giang.

Bánh bò thốt nốt

Những lưu ý gì khi tham quan tại Rừng Tràm Trà Sư

  • Rừng Tràm Trà Sư mở cửa tham quan từ 07h sáng đến 17h chiều. Tuy nhiên du khách tham quan buổi chiều lưu ý là nên đến đây trước 16h để kịp tham quan hết cả điểm trong khu du lịch, vì nếu đi trễ nhất là mùa mưa thì tối ập đến rất nhanh sẽ hạn chế tầm nhìn để quan sát.
  • Các hạng mục tham quan chủ yếu ngoài trời, mặc dù có rừng tràm nhưng vẫn bị mưa nắng, du khách cần chuẩn bị nón, dù, trang phục năng động, nước uống cho hành trình tham quan của mình.
  • Khi đi bộ trên cầu tre không nên chen lấn, xô đẩy và nhún nhảy.
  • Ngồi trên tắc ráng và xuồng ba lá nhớ giữ thăng bằng, không đứng lên và hạn chế đi lại trên tàu thuyền, không để tay ra ngoài be tàu, không với tay ra xa.
  • Việc lên xuống bến tàu thường phải khom, cúi, leo…nên để ý các vật dụng để ở túi áo hoặc túi quần nông, rất dễ rơi xuống nước.
  • Tuân thủ quy định của khu du lịch, của các nhân viên, hướng dẫn viên, tài công.
  • Không đốt lửa trong rừng, không xả rác. Có ý thức bảo vệ môi trường.

Lưu trú khi đến Rừng Tràm Trà Sư

Tại khu vực rừng Tràm Trà Sư chưa phát triển các dịch vụ lưu trú nhiều, nên du khách có thể tham khảo các nhà nghỉ, khách sạn tại khu vực thành phố Châu Đốc sau đây để thuận tiện hơn cho việc tham quan và di chuyển nhé:

1.   Khách sạn Yên Châu

Địa chỉ: 89 đường Hoàng Diệu, khóm Châu, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang 

Giá tham khảo: Từ 600.000 đ/ phòng/ đêm

.2.  Paris Hotel

Địa chỉ: góc Đường Trần Nguyên Hãn & Đường số 2 – Phường Châu Phú B – TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang

Giá tham khảo: Từ 900.000 đ/ phòng/ đêm

3.     Khách Sạn Châu Phố

Địa chỉ: Số 88, đường Trưng Nữ Vương, Phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang

Giá tham khảo: Từ 1.200.000 đ/ phòng/ đêm

4.   Victoria Chau Doc Hotel

Địa chỉ: Số 1, đường Lê Lợi, Phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang

Giá tham khảo: Từ 1.900.000 đ/ phòng/ đêm

Rừng Tràm Trà Sư sẽ còn hấp dẫn hơn trong tương lai

Trong tương lai, vẫn còn nhiều hạng mục công trình của Khu du lịch Rừng Tràm Trà Sư sẽ được đầu tư và hoàn thiện. Các công trình đó gồm khu vực lưu trú, phần còn lại của “cầu tre vạn bước”, mở rộng thêm các khu trưng bày đặc sản An Giang, nạo vét các con kênh, bổ sung thêm các loài động thực vật quý hiếm… Đây hứa hẹn sẽ là những điểm nhấn để góp phần phát triển du lịch của Rừng Tràm Trà Sư cũng như chung tay đóng góp vào công tác bảo tồn rừng của địa phương.

Nếu muốn rời xa những ồn ào, náo nhiệt ở phố thị để tìm về một chốn bình yên và được hòa mình với thiên nhiên thì Rừng Tràm Trà Sư sẽ là một điểm dừng chân vô cùng hoàn hảo. Hãy đến đây để tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ, cảnh đẹp nên thơ và trải nghiệm những điều thú vị đang chờ đón du khách khám phá!

Liên hệ tư vấn & đặt tour miền Tây
Facebook
Pinterest
Twitter