Trong đời sống của người dân miền Tây Nam Bộ, không có định nghĩa rõ rệt về bốn mùa xuân hạ thu đông nhưng những vùng miền khác. Ở đây người ta quen với cách gọi mùa mưa và mùa nắng dành cho hai sắc thái khí hậu tiêu biểu nhất của năm. Riêng với vùng đất Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên có một mùa đặc biệt nữa của riêng mình – mùa nước nổi. Với những thông tin có được, những ngày cuối tháng 9 vừa qua chúng tôi đã làm một chuyến hành trình trải nghiệm về “mùa” độc đáo này. Có rất nhiều điểm đến hấp dẫn, nhưng chúng tôi quyết định đến An Giang để trải nghiệm mùa nước nổi Vàm Nao..
Câu chuyện cá bông lau Vàm Nao
Thiên nhiên thật hào phóng khi ban tặng cho người dân miền Tây Nam Bộ những mùa cá rộ. Ngã ba sông Vàm Nao được ví như “ổ cá” bông lau của vùng miền Tây sông nước. Những ngày gần Tết, cá bông lau đổ về đây như những con heo nước bơi lội nhởn nhơ khiến ai ai cũng đều cảm thấy phấn khích hăng tay chèo đi bắt cá.
Cá bông lau thường xuất hiện từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch, người ta thường giăng lưới đêm để đánh bắt cá, những con cá bông lau dính lưới thường là những con cá lớn từ 3kg trở lên.
Truyền thuyết tương truyền rằng: ngã ba Vàm Nao có rất trù phú với nhiều tôm cá, từng có những con cá to bằng cả con trâu con và làm hại con người, để diệt những con cá hung dữ đó người dân địa phương đã luộc chín những trái bí đao vứt xuống sông làm mồi nhử cho những con cá háu ăn. Cá nuốt phải những trái bí nóng nổi và bị cháy ruột rồi chết. Những người dân kể lại từng bắt được những con cá hô, cá tra cả trăm cân, những con cá bông lau vào mùa nước nổi thường nhiều cá, lưới đánh bắt cá bông lau thường phải là loại từ 2kg trở lên.
Cá bông lau Vàm Nao thịt trắng và thơm ngon hơn cá hú, cá tra, thường được dùng để chế biến các món như cá bông lau kho tộ, nấu canh chua, lẩu cá bông lau, chiên xù,…Thưởng thức những món ăn từ cá bông lau và cùng lắng nghe những câu chuyện sông nước của những người ngư dân, cùng nếm trải những niềm vui và nỗi buồn của họ. Người dân quanh Vàm Nao chủ yếu sống vào nghề sông nước, nhà cửa tạm thời và hầu hết không có tài sản gì đáng giá, mỗi lần thức trắng đêm kéo lưới là người ngư dân lại hồi hộp dõi theo, mẻ lưới nặng trĩu nhiều cá là niềm vui, niềm phấn khởi của mỗi người dân vùng sông nước Vàm Nao.
Câu chuyện lịch sử Vàm Nao
Vàm Nao hay còn gọi là xoáy Hồi Oa vì nước chảy cuồn cuộn và xoáy đến nỗi rắn bị cuốn vào vặn đứt đuôi. Những con cá dữ luôn rình rập người bơi qua sông, năm 1819, kênh đào phân chia biên giới Việt Nam – Campuchia được xây dựng với chiều dài hơn 100km, đã có gần 7000 người chết trong số đó nhiều người bị mất xác do bỏ trốn qua Vàm Nao, có thể bị cá dữ ăn thịt, có thể bị sóng gió nhấn chìm.
Tương truyền có một con cá sấu 5 chân có tên gọi là ông “Năm Chèo” đang ẩn mình trên dòng sông Vàm Nao và có nhiều tai nạn liên quan đến mạng người, tài sản trên khúc sông này là do ông “Năm Chèo” gây ra. Cái tên “Năm Chèo” là do thủy quái này từng được nuôi dưỡng và xích bằng một sợi xích sắt, nhưng vào một đêm mưa to, gió lớn nó đã tự mình cắn bỏ một bàn chân để thoát thân. Hơn 100 năm qua dân gian vẫn truyền nhau những câu chuyện thực hư về nó, sông Vàm Nao đã và vẫn là một địa điểm mang trong mình những câu chuyện ly kỳ cuốn hút.
Mục lục bài viết
ToggleĐến Vàm Nao để nghe kể về những câu chuyện li kì
Sông Vàm Nao là một đoạn sông ngắn dài khoảng 7km nối liền sông Tiền và sông Hậu, địa phận các xã Kiến An, Mỹ Hội Đông thuộc địa phận huyện Chợ Mới, xã Tân Trung thuộc huyện Phú Tân và xã Bình Thủy thuộc huyện Châu Phú của tỉnh An Giang. Nơi đây thường được người dân địa phương truyền tai nhau về những câu chuyện li kì. Sông tuy ngắn nhưng sâu, nước xoáy, và tương truyền là nơi trù ngụ của các loài cá sấu thuồng luồng thuở xưa. Tại đây, chúng ta cũng có thể tận mắt chứng kiến hiện tượng san nước độc đáo có một không hai giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu.
Đến Vàm Nao theo cung đường đáng nhớ
Từ Sài Gòn, theo đường quốc lộ 1 đến thành phố Tân An, rồi rẽ hướng quốc lộ N2 thẳng tắp băng qua vùng Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh. Mùa này trùng với vụ hè thu, nên những cánh đồng trong đê bao thì lúa đang chín vàng; còn ngoài thì nước ngập trắng đồng. Sở dĩ đi theo cung đường này, chúng tôi muốn ghé thăm các địa điểm tham quan mùa nước nổi khác, như: Làng nổi Tân Lập, Đồng Sen – Gò Tháp, Vườn quốc gia Tràm Chim…để xem có khác gì với điểm chúng tôi muốn đến hay không.
Từ Tràm Chim, chúng tôi tiếp tục hành trình hướng về huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), rồi qua phà Chợ Thủ, phà Năng Gù mới đến được nơi trải nghiệm mùa nước nổi Vàm Nao.
Phương tiện để di chuyển đến sông Vàm Nao, du khách có thể lựa chọn xe khách, xe máy hoặc ô tô cá nhân. Du khách có thể dễ dàng đi theo Google Maps và nếu muốn tham quan trọn vẹn khu du lịch sinh thái Vàm Nao mùa nước nổi, du khách chỉ cần di chuyển khoảng 10 phút bằng tàu là có thể tới nơi.
Thời điểm thích hợp để tham quan Vàm Nao
Mùa nước nổi là mùa được khách du lịch ưa chuộng nhất để tham quan Vàm Nao. Từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch là mùa nước dâng cao, thời điểm này phù sa trù phú, tôm cá nhiều vô kể, là thời gian được người dân địa phương yêu thích vì đem lại nhiều lợi ích kinh tế. Du khách tới Vàm Nao vào thời gian này sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh sông nước hấp dẫn với nhiều hoạt động trải nghiệm như bắt cá linh, cá bông lau, chèo thuyền ngắm cảnh, thu hoạch bông điên điển, bắt cá bằng dớn, thu hoạch củ ấu,…
Du khách nên thuê thuyền có người địa phương chèo lái để thỏa sức khám phá cũng như đảm bảo an toàn, đây là khu vực chưa được đầu tư du lịch nên du khách nên cân nhắc tới đây nếu thực sự muốn có những trải nghiệm mới mẻ, bình dân.
Chiều tối, khi thời khắc hoàng hôn buông xuống, mọi hoạt động sinh hoạt của người dân nơi đây cũng bắt đầu lắng đọng, du khách sẽ có thêm những khoảnh khắc đáng nhớ khi chiêm ngưỡng cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp trên sông Vàm Nao mùa nước nổi.
Mùa nước nổi Vàm Nao có gì?
Điều chờ đợi nhất của chuyến đi là đây: những trải nghiệm mùa nước nổi Vam Nao thật lý thú!
Nhổ ấu
Theo chân anh Trung thuộc hợp tác xã nông nghiệp An Giang, chúng tôi lên xuồng khám phá nét đẹp đặc trưng của nơi này. Trải nghiệm đầu tiên mà chúng tôi được tham gia đó là nhổ ấu. Anh Trung chèo xuồng đưa chúng tôi vào ruộng ấu, dùng tay vớt lên và lựa chọn những củ già. Ấu luộc chín ăn rất bùi, tuy nhiên bạn cũng có thể dùng ngay những củ ấu tươi khi vừa vớt lên khỏi mặt nước.
Củ ấu là một loài cây thủy sinh có hình dạng xù xì và đen như sừng trâu. Tuy nhiên bên trong củ ấu là một món ăn dân dã được người dân đặc biệt ưa thích. Củ ấu có thể được chế biến bằng nhiều cách như luộc, hầm chân giò, hầm dừa với chuối, làm lẩu,… mùi vị củ ấu béo, bùi và có vị ngọt đặc trưng với chất bột trắng, du khách tới với Vàm Nao còn có thể trải nghiệm chụp hình cùng những cánh đồng trồng củ ấu rộng lớn của người dân địa phương.
Hái bông điên điển
Nằm kề bên ruộng ấu là những hàng cây điên điển ra hoa vàng rực. Xuồng cập vào, chúng tôi chỉ việc dùng tay ngắt nhẹ. Chỉ chốc lát là đã có được nguyên liệu để chế biến những món ăn đặc trưng mùa nước nổi rồi: canh chua cá linh bông điên điển, gỏi tép trấu bông điên điển, có thời gian hơn thì đổ bánh xèo bông điên điển…
Đổ dớn bắt cá
À, hấp dẫn nhất của trải nghiệm mùa nước nổi Vàm Nao chính là đây chứ đâu.
Từ xuồng máy, chúng tôi phải bỏ dép, xắn quần thật cao, sau đó trung chuyển xuồng ba lá để dễ dàng di chuyển ra những nơi đặt dớn để bắt đầu “thu hoạch”.
Dớn là dụng cụ bắt cá quen thuộc của bà con miền Tây. Dớn được may từ lưới, công dụng như một cái rọ để dẫn dụ cá. Phần quan trọng nhất của dớn là cái “đú” nối dài vài thước để cá tép chui vào. Cái tài tình của dân miền Tây là cá một khi đã vào dớn thì chỉ có vào mà không có ra. Cá đổ dớn chủ yếu là cá nhỏ, nhưng thịt ngọt và mang hương vị đặc trưng của sông nước miền Tây. Mùa nước nổi, tiếng cười nói xôn xao vào lúc hừng sáng, những mẻ cá linh non tươi roi rói chính là những nét đặc trưng không lẫn vào đâu được của bà con ở Vàm Nao.
Trên là đoạn miêu tả của bà con tại đây, còn kết quả của chúng tôi hôm đó là…cũng không tệ – đủ cho bữa ăn. Điều đặc biệt là không chỉ vài loại cá, chúng tôi đếm được trên 10 loại với đủ kích cỡ. Theo hướng dẫn của anh Trung, chúng tôi chỉ chọn các loại cá đủ lớn để mang về, còn cá nhỏ quá sẽ thả lại cho chúng về với sông nước.
Lai rai vài xị – hòa mình vào giai điệu của miền Tây
Sau một ngày trải nghiệm, đêm đến là lúc chúng tôi được thưởng thức những chiến lợi phẩm của mình: tô canh chua cá linh bông điên điển nghi ngút khói, nồi cá “hủn hỉn” kho tiêu (nhiều loại cá đồng nhỏ kho chung với nhau – NV), vài con cá lớn thì nướng trui, rồi vài xị rượu đế được nấu từ gạo quê…Chúng tôi thả mình theo những cảm xúc tự do, có lúc lắng đọng những giai điệu đờn ca tài tử không chuyên nhưng ngọt ngào chân chất. Lâng lâng, những ngọn gió chướng lao xao đám bắp sau nhà, len lõi qua khe cửa khép hờ, mang hơi mát của mùa nước nổi Vam Nao làm cơn buồn ngủ ập đến lúc nào không ngờ…
Cảm ơn những trải nghiệm mùa nước nổi Vàm Nao khó quên
Sau bữa ăn sáng cháo cá lóc dân dã cùng với gia chủ giữa bốn bề nước nổi, chúng tôi chia tay Vàm Nao khi trời hừng sáng. Một lần đến Vàm Nao thực sự là một trải nghiệm hấp dẫn mà chúng tôi khó có thể quên được. Miền tây vốn dĩ đã đẹp, đến mùa nước nổi nó lại khoác lên một nét vừa bình dị vừa hấp dẫn lạ thường.
Sẽ có dịp chúng tôi quay trở lại để khám phá thêm nhiều nét đặc trưng nữa của vùng đất quá đổi bình yên này.
Nguyễn Thức