Lễ Dolta của người Khmer diễn ra khi nào? Có gì đặc biệt? (Update 2024)

Với dân số vào khoảng 1,3 triệu người,  người Khmer có mặt ở miền Tây Nam Bộ từ rất lâu, hiện sống chủ yếu ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Cùng với bề dày lịch sử, thì đời sống văn hóa tinh thần của người Khmer Nam Bộ rất phong phú, đa dạng. Trong số các lễ hội lớn, ngày lễ Dolta của người Khmer hay còn được gọi là ngày lễ cúng ông bà,  được xem như một dịp để họ nhớ ơn ông bà tổ tiên, nhớ ơn những người đã mất, cầu nguyện cho gia đạo được bình an. Đây được  coi như một ngày lễ “Vu Lan” của riêng cộng đồng người Khmer.

Ngày lễ Dolta của người Khmer diễn ra khi nào?

Trong một năm, người Khmer ở miền Tây có ba cái lễ tết lớn. Đó là:

  • Chol Chnam Thmay (Tết mừng năm mới theo lịch cổ truyền của người Khmer) diễn ra vào khoảng thời gian tháng 4 dương lịch, và thường kéo dài từ 3 đến 4 ngày.
  • Ok Om Bok (lễ cúng trăng) diễn ra vào rằm tháng 10 âm lịch, nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân cư ấm no hạnh phúc.
  • Còn lễ Sene Dolta diễn ra vào thời điểm 29/8 – 1/9 (âm lịch). Đây là thời điểm bà con người Khmer kết thúc quá trình gieo mạ, cấy lúa trong năm.
Lễ sen dolta vào ngày nào 2020?

Lễ Sene Dolta năm 2020 sẽ diễn ra vào các ngày 8, 9 và 10-10 (nhằm ngày 29-8, ngày 1 và 2-9 âm lịch).

Khung cảnh lễ Dolta của người Khmer Nam Bộ
Khung cảnh lễ Dolta của người Khmer Nam Bộ

Truyền thuyết ngày lễ Dolta của người Khmer

Hiện tại có hai truyền thuyết được nhắc đến để nói về ý nghĩa của ngày lễ Dolta.

Truyền thuyết thứ nhất

Truyền thuyết thứ nhất liên quan đến tập quán trồng lúa nước của bà con Khmer xưa. Hàng năm, từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, đó là thời điểm mùa vụ bước vào giai đoạn gieo mạ, cấy lúa. Khi cấy xong cũng là mùa mưa, mùa nước lũ về. Bà con có một quãng thời gian ngắn để đi thăm hỏi ông bà, cha mẹ ở xa. Một chuyến đi như vậy có thể kéo dài đến vài ngày. Họ chuẩn bị lương thực, thực phẩm và quà bánh mang theo để tặng cho người thân của mình. Khi đến nơi, có  người mới nhận ra là cha mẹ, ông bà của mình đã mất nhưng do đường xá cách trở, do mưu sinh mà không thể thường xuyên thăm hỏi. Dần dần, những người đi chung hẹn gặp nhau, tổ chức những buổi lẽ nhằm tưởng nhớ đến công ơn của ông bà, cha mẹ, dẫn đến việc ra đời của ngày lễ Dolta.

Truyền thuyết thứ hai

Truyền thuyết thứ hai liên quan đến tôn giáo của đồng bào người Khmer đó là Phật Giáo. Truyền thuyết kể rằng vào thời Đức Phật tại thế, Đức vua Tần Bà Sa La đêm nằm nghe có nhiều tiếng khóc than. Đức vua sợ hãi đến bạch với Đức Phật. Đức Phật nghe xong nói với vua rằng: “Đây là những Ngạ Quỷ thuộc nhiều đời nhiều kiếp, trước đây là thân nhân, quốc thích của vua, do phạm lỗi lầm nên đọa địa ngục. Nay họ thiếu ăn, thiếu mặc nên đến cầu xin Đức vua. Nhưng phải nhờ các vị sư tụng kinh hồi hướng thì họ mới thụ hưởng được”. Nhà vua làm theo lời Đức Phật dạy, từ đó không còn nghe tiếng than khóc nữa. Từ đó về sau, tục làm lễ hồi hướng cho người thân đã mất được người Khmer duy trì, và đến nay trở thành ngày lễ Dolta mà chúng ta hay nhắc tới.

Những nghi lễ chính trong ngày lễ Dolta của người Khmer

Ngày nay, lễ Dolta được bà con Khmer tổ chức trong ba ngày chính.

Ngày thứ nhất

Ngày thứ nhất mang ý nghĩa tiếp đón người than quá cố. Các gia đình trước đó dọn dẹp nhà cửa thật tươm tất. Các thành viên trong gia đình bày mâm cỗ, bánh trái, trà rượu, sau đó thấp hương khấn vái, mời ông bà cha mẹ đã quá cố về dùng bữa cơm cùng con cháu. Tương tự như vậy vào buổi chiều, mọi người tiếp tục mời ông bà dùng cơm, sau đó mời linh hôn người đã mất vào chùa nghe sư tụng kinh, thuyết pháp đến tối muộn. Ngoài ra, sau khi tụng kinh cầu siêu, những nắm cơm vắt mà gia đình đã chuẩn bị được mang ra ngoài đặt xung quanh chính điện để cúng cho những linh hồn quá cố cô đơn, không có con cháu.

Ngày thứ hai

Ngày thứ hai là ngày chính của lễ Dolta. Các thành viên trong gia đình chuẩn bị một mâm cơm thật thịnh soạn sau đó mang vào chùa làm một lễ nghe kinh tập thể cho những người đã mất. Sau đó, bà con Phật tử cùng các gia đình trong phum sóc cùng ngồi lại dùng bữa cùng nhau, trao đổi với nhau những câu chuyện đời thường. Họ ở lạ chùa đến xế chiều. Sau đó linh hồn người quá cố được rước về lại gia đình. Con cháu làm mâm cơm mới cúng ông bà, mời ông bà ở lại chứng kiến đời sống vui vẻ, ấm no của gia đình

Ngày cuối cùng

Ngày cuối cùng trong chuỗi ba ngày lễ Dolta, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cơm, mời một vài vị sư đến nhà làm lễ cầu siêu, tiễn đưa linh hồn người quá cố. Họ chuẩn bị một chiếc ghe làm bằng giấy hoặc bẹ chuối, trên có hình người tượng trung cho tổ tiên, một ít muối gạo, quần áo, vàng mã. Người nhà thấp nhang đèn, mang chiếc thuyền ra thả ở các kênh rạch gần nhà, tiễn đưa người quá cố trở lại với thế giới bên kia.

Mang lễ vào chùa trong Dolta của người Khmer
Mang lễ vào chùa trong Dolta của người Khmer

Ý nghĩa nhân văn to lớn của lễ Dolta

Lễ Dolta ngoài ý nghĩa là một lễ hội thường niên của bà con đồng bào Khmer, bên cạnh đó còn mang ý nghĩa to lớn về lòng hiếu kính, sự tưởng nhớ của người còn sống đến với công ơn của ông bà cha mẹ quá cố. Không tưng bừng náo nhiệt như Chol Chnam Thmay, cũng không nhộn nhịp như Ok Om Bok, Lễ Sene Dolta vẫn cho thấy một nét rất riêng của mình trong nét đẹp văn hóa truyền thống, tôn giáo của cộng đồng người Khmer Nam Bộ.

Nguyễn Thức

Liên hệ tư vấn & đặt tour miền Tây
Facebook
Pinterest
Twitter