Địa danh bảy núi ở An Giang luôn mang đến cho du khách nhiều sự tò mò khó tả, vùng đất linh thiêng này vẫn còn chứa đựng những câu chuyện li kì, bí ẩn về những pháp sư, về những loài thú dữ, về con người nơi đây. Khu vực này còn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Khmer với những nét văn hóa rất đặc trưng và độc đáo.
Mục lục bài viết
ToggleGiới thiệu về địa danh bảy núi ở An Giang
Nguồn gốc hình thành
Nếu muốn hiểu được về địa danh bảy núi ở An Giang thì du khách phải quay về lịch sử của hàng triệu năm về trước, trong thời kỳ Pleistocene, hàng loạt các hoạt động tân kiến tạo đã làm vỏ trái đất ở khu vực Bảy Núi bị nứt nẻ, lún sụt hoặc nhô cao nhiều nơi.
Sau đó là những đợt biển tràn ngập cả vùng Nam Bộ khoảng 10.000 đến 11.000 năm thì chấm dứt. Dấu tích của những thời biển tiến này còn để lại các bậc thềm biển cổ ở những vùng quanh núi Cấm, núi Dài, núi Phú Cường… của huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Điều kì lạ là những đợt kiến tạo này chỉ xảy ra ở quanh khu vực bảy núi ở An Giang chứ không phải xảy ra ở khắp đồng bằng sông Cửu Long, điều này du khách rất dễ nhận biết khi đi du lịch ở đây, địa hình đồi núi chỉ có ở An Giang, còn những nơi khác thì chủ yếu là đồng bằng.
Tên gọi Bảy Núi
Bảy Núi ở An Giang là tên gọi của bảy ngọn núi tiêu biểu trong số 37 ngọn núi thuộc địa phận hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Ngoài ra nó còn có tên gọi khác là Thất Sơn. Tên gọi Thất Sơn được ghi chép lần đầu trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí, các ngọn núi được kể tên là gồm các núi: Tượng, Tô, Cấm, Ốc Nhẫm, Nam Vi, Tà Biệt và Nhân Hòa.
Nhà văn Hồ Biểu Chánh trong Thất Sơn huyền bí và nhà văn Nguyễn Văn Hầu trong Thất Sơn nhiệm mầu cho rằng đó là các núi: Tượng, Tô, Cấm, Trà Sư, Két, Dài, Bà Đội Ôm.
Đến năm 1984, Trần Thanh Phương cho xuất bản Những Trang sử về An Giang, đã kể tên bảy Núi là núi Cấm, núi Dài Năm Giếng, núi Cô Tô, núi Dài, núi Tượng, núi Két, núi Nước.
Đi đến bảy núi như thế nào
Địa danh bảy núi ở An Giang luôn thu hút du khách đến với vùng đất này, không chỉ là đến đây để thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà du khách còn được nghe kể về những câu chuyện li kì, bí ẩn về vùng đất Thất Sơn, về các đạo sĩ đã tu luyện trong thâm sơn cùng cốc và có những kĩ năng đặc biệt, phi thường.
Từ Sài Gòn du khách có thể đi theo QL1 để đến với tỉnh An Giang, khi tới thành phố Long Xuyên sẽ có hai hướng đi vào khu vực Thất Sơn, một là du khách đi theo đường kênh Mạc Cần Đăng qua thị trấn Tri Tôn rồi vào khu bảy núi. Hai là du khách đi tới Châu Đốc rồi qua khu vực thị trấn Nhà Bàng của huyện Tịnh Biên rồi vào khu vực bảy núi ở An Giang.
Du lịch bảy núi ở An Giang có gì hay?
Chinh phục núi Cấm
Núi Cấm là một trong những những bảy núi ở An Giang, trong quá khứ núi Cấm là nơi linh thiêng và vô cùng thâm u, huyền bí, nơi tu tập của các vị đạo sĩ với những kĩ năng phi thường, khác người. Ngày nay núi Cấm là một điểm du lịch nổi tiếng không chỉ của An Giang mà còn của cả miền tây.
Trên khu du lịch núi Cấm du khách có thể phóng tầm nhìn rộng khắp ra cánh đồng Tà Pạ tuyệt đẹp dưới chân núi, viếng chùa Vạn Linh, tượng Phật di lặc khổng lồ trên đỉnh núi. Tại đây còn có một hồ nước trong xanh tạo điểm nhấn về mặt cảnh quan cũng như làm cho không gian nơi đây luôn mát mẻ.
Tham gia lễ hội đua bò Bảy Núi
Một trong những sự kiện của vùng bảy núi ở An Giang đó chính là lễ hội đua bò của đồng bào dân tộc Khmer nơi đây. Lễ hội thường được tổ chức vào đầu tháng 9 dương lịch, là nơi tranh tài giữa các đội bò đến từ nhiều phum sóc khác nhau. Du khách có thể quan sát cuộc đua bò rất quyết liệt vào náo nhiệt nơi đây.
Chèo thuyền ở Trà Sư
Rừng tràm Trà Sư là một trong những khu du lịch điển hình cho vùng đất ngập nước ở miền Tây, Trà Sư có hệ sinh thái vô cùng đa dạng và phong phú bao gồm cả các loài động vật và thực vật. Du khách sẽ được chèo thuyền len lỏi qua những khu rừng tràm dày đặc trên lớp bèo hoa dâu xanh mướt. Đó sẽ là trải nghiệm thật tuyệt vời khi đến với khu vực bảy núi ở An Giang.