Du lịch miền tây mùa nước nổi nên đi đâu? có gì hay?

Bên cạnh các khu chợ nổi, điều làm nên đặc trưng của các tỉnh miền Tây đó là mùa nước nổi, hay còn gọi là mùa lũ, một hiện tượng lũ lụt tự nhiên xảy ra ở các vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù với khí hậu ôn hòa, mát mẻ của Nam Bộ thích hợp để tham quan quanh năm, tuy nhiên mùa nước nổi lại là một trong những thời điểm lý tưởng để đi du lịch. Đó là lúc mà du khách được ngắm thiên nhiên miền Tây ở một vẻ đẹp khác cũng như cơ hội được tham gia vào vô số các trải nghiệm độc đáo chỉ có trong mùa lũ. Những thông tin dưới đây sẽ giúp độc giải giải đáp thắc mắc du lịch miền Tây mùa nước nổi nên đi đâu? Có gì hay?

Tham quan Rừng tràm Trà Sư – An Giang

An Giang có thể nói là một trong ba điểm dừng chân yêu thích của du khách khi đến du lịch miền Tây mùa nước nổi, bên cạnh Cần Thơ và Kiên Giang. Theo người dân địa phương, mùa nước nổi chính là món quà quý giá mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này, với con nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ngập trắng các làng quê. Trong suốt khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 Âm lịch, con nước về phủ trắng xóa các cánh đồng, con hồ, kênh rạch, làm nổi bật lên màu xanh ngắt của cây cối, màu bạc của núi đá vôi, tất cả như vẽ nên một bức tranh An Giang thanh bình, đủ sức mê hoặc các tín đồ yêu thích thiên nhiên. 

Một trong những điều khi đến An Giang không thể bỏ qua vào mùa nước nổi đó là ngắm vẻ đẹp của rừng tràm Trà Sư. Mặc dù mùa nào cũng đẹp nhưng Trà Sư, huyện Tịnh Biên lại đẹp nhất khi mùa nước lũ về. Được biết, rừng tràm là một vùng ngập nước tiêu biểu của vùng Tây sông Hậu, vì vậy mà Trà Sư cũng được xem là địa điểm mang vẻ đẹp điển hình đặc trưng của mùa nước nổi. Vào mùa này, cả rừng tràm như được thay áo mới khi cả cánh rừng được bao trùm bởi màu xanh tươi mới, đó là màu xanh của những cây tràm cao vút, màu xanh của mặt nước và đặc biệt nhất chính là màu xanh mơn mởn của những cánh bèo kết tụ lại với nhau. 

Để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng tràm Trà Sư, nhiều du khách thường lựa chọn đi bằng xuồng máy hoặc xuồng ba lá, đều là những phương tiện thường thấy ở những vùng sông nước. Xuồng máy sẽ đưa bạn đi sâu hơn vào trong cánh rừng tràm, nơi những cánh bèo trôi dạt tạo nên một mảng xanh tươi mát, thơ mộng. Ở vùng lõi, người dân sẽ khuyên du khách chuyển sang đi tắc ráng để đến khu vực sinh sống của các loài chim nước như cồng cộc, diệc, vạc, le le, nhiều nhất vẫn là chim, cò. Từ trên đài quan sát, phóng tầm mắt xuống phía dưới là thấy cả một vùng nước nổi thu nhỏ lại vô cùng thích mắt. 

Ngắm nhìn vẻ đẹp của Búng Bình Thiên

Bên cạnh rừng tràm Trà Sư, Búng Bình Thiên cũng là một đặc trưng rất riêng của An Giang làm nên vẻ đẹp của mùa nước nổi. Được mệnh danh là “hồ nước trời” của miền Tây, Búng Bình Thiên không chỉ nổi tiếng phẳng lặng quanh năm mà còn gây ấn tượng bởi mặt nước hồ bao giờ cũng xanh trong như gương, dù cho màu đỏ đục ngầu phù sa vào mùa nước lũ tràn vào. Cứ vào mỗi mùa nước nổi, diện tích của búng lại mở rộng lên gấp 3 lần, biến nơi này trở thành một biển nước mênh mông vô kể. 

Đặc biệt hơn, nơi đây còn gắn liền với sự kiện độc đáo “Liên hoan văn hóa nước nước nổi”. Cách đây 10 năm về trước, sự kiện này đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân trong vùng. Đây vừa là một hoạt động giải trí sôi nổi, vừa là một loại hình du lịch văn hóa độc đáo, góp phần tăng thêm sức hấp dẫn của An Giang cũng như các tỉnh Nam Bộ. Cứ vào mỗi mùa nước lũ, nhân dân trong vùng lại háo hức tổ chức ngày hội văn hóa này, thu hút hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về đây tham gia rất đông vui. 

Có thể nói, Liên hoan văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên là một hoạt động “độc nhất vô nhị” bởi những tiết mục biểu diễn đều từ các nghệ sĩ “cây nhà lá vườn”. Hơn nữa, không gian biểu diễn chính là sân khấu trên mặt nước được dàn dựng rất công phu đến từ bàn tay khéo léo, đầy tâm huyết của những người con An Phú. Thông qua những câu hò, điệu lý, những bài ca tài tử cùng với những điệu múa đẹp đã thành công tái hiện được cuộc sống đời thường của người dân vùng sông nước. Bên cạnh đó, Liên hoan văn hóa Búng Bình Thiên còn tổ chức thêm nhiều trò chơi dân gian như bắt vịt trên đồng, đua xuồng, bắt lươn trong chum,vv… tạo ra không khí vui chơi sôi nổi, hào hứng. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, kể từ năm 2014, sự kiện này đã không còn được duy trì. Hy vọng, trong những năm tới, nét văn hóa này sẽ tổ chức trở lại để trở thành điểm đến văn hóa cho người địa phương cũng như du khách đến An Giang mùa nước nổi. 

Check in nhiều điểm tham quan nổi tiếng tại Làng nổi Tân Lập

Làng nổi Tân Lập, thuộc xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An cũng là điểm đến lý tưởng mùa nước nổi. Được ví như “trái tim của vùng Đồng Tháp Mười”, làng nổi Tân Lập với hệ thống sông ngoài, kênh rạch phong phú, hệ thống thực vật, động vật đa dạng, đã vẽ nên cho nơi đây một bức tranh thiên nhiên đầy tuyệt đẹp. Sở dĩ gọi là Làng nổi Tân Lập, bởi trước đây khi đến mùa nước nổi tầm tháng 7 Âm lịch, người dân phải nâng cao sàn nhà để đối phó với mực nước dân cao. Nếu nhìn từ xa, bạn có thể thấy nơi này như một ngôi làng nổi lên trên mặt nước, rất độc đáo. 

Làng nổi Tân Lập giờ đây đã được khai thác và phát triển thành một khu du lịch sinh thái, đem đến cho du khách gần xa những chuyến trải nghiệm hấp dẫn cũng như tận hưởng vẻ đẹp tự nhiên của khu rừng tràm nguyên sinh. Để có thể cảm nhận được cảnh vật xinh đẹp, ngắm hoa súng, hoa sen nở cũng như lắng nghe tiếng hót lảnh lót của những chú chim, bạn có thể chọn cách đi bộ xuyên rừng hoặc đi thuyền trên rạch Rừng. Cạnh đó, làng nổi còn có một số điểm tham quan nổi tiếng như tháp canh và cầu chữ X, hồ Bán Nguyệt, khu thuần dưỡng chim hay khu trò chơi dân gian. 

Rừng U Minh với nhiều trải nghiệm độc đáo mùa nước nổi

Những tour du lịch miền Tây lại trở nên nhộn nhịp hẳn mỗi mùa nước nổi, đặc biệt trong đó có tour tham quan rừng U Minh Hạ. Cứ độ tháng 7 âm lịch hằng năm, khi con nước dâng cao, ngập trắng cả cánh đồng lúa, rừng tràm tạo nên một khung cảnh ấn tượng thì bà con nơi đây lại tất bật đưa xuồng xuống để chở khách du lịch đi trải nghiệm mùa nước nổi. Lúc này, nước cũng ngập hầu hết đất đai, chỉ chừng lại những đồi đất cao giữa biển nước mênh mông, đó là nơi mà vô số các loại động vật như rắn, ếch và cả chim đến trú ngụ. 

Để có thể cảm nhận được vẻ đẹp của mùa nước nổi rừng U Minh, chỉ có thể đến với các điểm du lịch sinh thái như Vườn quốc gia U Minh Hạ, Cà Mau – Eco, Hương Tràm U Minh, Sông Trẹm, Mười Ngọt,vv… Đó là nơi mà du khách được những chiếc xuồng ba lá đưa đến các rừng tràm, các trảng sen, súng hay thử với các trải nghiệm độc đáo như bơi xuồng, giăng lưới, hái rau rừng, đặt trúm lươn, đặt lờ. Không chỉ dừng ở đó, rừng ngập mặn U Minh Hạ còn chứa cả một kho tàng các món ăn rất đặc trưng của mùa nước nổi như lẩu lươn rau đồng, cá lóc cuốn lá sen nướng trui, canh chua trái giác,vv…

 Thưởng thức các “đặc sản” mùa nước nổi

Không chỉ đem đến khung cảnh nên thơ, nơi những con nước lớn dâng ngập cả một vùng rộng lớn, mùa nước nổi ở Cà Mau lại được người dân mong đợi khi đem về biết bao nhiêu là sản vật mùa lũ. Khi con nước đầu nguồn đổ về các tỉnh như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, các loại thủy sản hay các loài động vật ở bờ ruộng như cá, rắn, lươn cũng theo đó mà đổ ra các nhánh sông, con rạch. Đó cũng là lúc người dân các vùng hối hả mang theo vô số các dụng cụ nào là lưới, lờ, nơm, trúm, lọp ra đồng, sau chốc lát là thu về cả một mớ nguyên liệu, từ cá trê, cá lóc, cá rô đồng, cá chạch, cá bống dừa cho đến các loài rắn ri, rắn nước, chuột đồng, ếch, nhái, cua đồng, tép rong, tép rêu song dồi dào nhất vẫn là cá linh. 

Không chỉ là cá, là tôm, là cua, sản vật mùa nước lũ miền Tây còn có cả những loại rau hấp dẫn, chẳng hạn như bồn bồn, bông điên điển, sầu đâu, bông súng, đọt choại rồi cả hẹ nước. Những loại này vào mùa lũ mọc lên rất nhanh và cực kỳ xanh tốt, chế biến cực kỳ đơn giản, chỉ cần xào tỏi, làm gỏi hay ăn sống đều rất ngon. Đặc biệt, những nguyên liệu thu được một khi kết hợp cùng nhau lại mang đến những món ăn rất thơm ngon, hương vị độc đáo, điển hình như món canh chua cá linh bông điên điển hay bông điển xào tép đồng. Việc thưởng thức những món đặc sản này không hề khó, nó rất phổ biến ở thực đơn các nhà hàng, quán ăn, đặc biệt là các điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm đều kèm theo dịch vụ ẩm thực, phục vụ các món ăn đồng quê dân dã. 

Bên cạnh những điểm tham quan, trải nghiệm trên, du lịch miền Tây mùa nước nổi còn có vô số điều thú vị khác, chẳng hạn như chuyến đi đến Vườn quốc gia Tràm Chim, cánh đồng sen Tháp Mười hay Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre. Mỗi tỉnh, mỗi vùng vào mùa nước lũ về đều mang một vẻ đẹp riêng, sức hút riêng và cả những trải nghiệm riêng. Tuy nhiên, với những địa điểm gợi ý ở trên, bạn vẫn có thể cảm nhận được những hầu hết những điều thú vị của một miền Tây mùa nước nổi, từ các cảnh đẹp cho đến các món ăn ngon chỉ có vào mùa nào. 

Liên hệ tư vấn & đặt tour miền Tây
Facebook
Pinterest
Twitter