Đến Vĩnh Long check-in quên về ở Vương quốc gạch gốm Mang Thít

Trước kia, khi đi du lịch miền Tây Nam bộ qua tỉnh Vĩnh Long, du khách thường được biết đến nơi đây là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, hay những miệt vườn trú phú ở Cù lao An Bình. Nhưng, địa phương này còn có một “di sản đương đại” còn ít ai biết đến, đó là “Vương quốc gạch gốm Mang Thít”. Đây chắc chắn là một nơi tham quan thú vị để du khách trải nghiệm văn hóa, tìm hiểu về một nghề thủ công truyền thống. Đặc biệt nơi này cũng là điểm check-in rất hấp dẫn, với hàng nghìn lò nung gạch khổng lồ tựa các tòa tháp tôn giáo kỳ bí.

Một góc Vương quốc gạch Mang Thít
Một góc Vương quốc gạch Mang Thít

Nghề làm gạch gốm ở Vĩnh Long có hàng trăm năm

Từ đầu thế kỷ 19, nghề làm gạch ngói đã có mặt tại Vĩnh Long để đáp ứng nhu cầu xây cất nhà cửa của người dân địa phương. Theo các số liệu thống kê, đến giữa thế kỷ 20 số lượng lò gạch ở Vĩnh Long được ghi nhận là 39 lò. Thời cực thịnh của nghề làm gạch ngói ở Vĩnh Long là sau giải phóng, nhất là giai đoạn những năm 80 khi có đến hàng nghìn cơ sở với hơn 3.000 lò nung gạch ngói. Cũng thời gian này có một số hộ tiến thêm một bước trong nghề truyền thống của mình là làm những sản phẩm đồ gốm. Đồ gốm đỏ Vĩnh Long không những cung cấp cho thị trường miền Tây, trong nước, mà còn xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới.

San sát các lò nung và cơ sở làm gạch ở Mang Thít
San sát các lò nung và cơ sở làm gạch ở Mang Thít

Đến đầu những năm 2000, với nhiều nguyên nhân khác nhau, nghề làm gạch, ngói, gốm đỏ ở Vĩnh Long bắt đầu đi xuống và mai một dần. Cho đến nay, hiện toàn tỉnh chỉ hơn 1.000 lò nung gạch gốm còn tồn tại, một số trong đó còn hoạt động.

Vương quốc gạch gốm đỏ Mang Thít  – Vĩnh Long ở đâu?

Nếu rong ruổi trên các cung đường miền Tây, du khách sẽ nhận ra nhiều địa phương cũng có nghề làm gạch ngói truyền thống với đặc trưng là các lò nung màu đỏ. Tuy nhiên, Vĩnh Long là địa phương tập trung nhiều lò gạch nhất. Bởi lẽ, trong tỉnh có lượng đất sét pha rất thích hợp để làm gạch, ngói và gốm. Đi dọc theo sông Cổ Chiên từ hướng thành phố Vĩnh Long xuôi dòng qua Huyện Long Hồ, du khách sẽ thấy được các lò gạch nằm rải rác ven bờ. Đặc biệt, khi đến Kênh Thầy Cai huyện Huyện Mang Thít thì du khách chính thức tiến vào Thủ đô của “Vương quốc gạch gốm”. Quang cảnh hàng nghìn lò nung gạch gốm khổng lồ nhấp nhô thi nhau nhả khói trong bình minh hay lúc chiều tà đã làm rung động bao con tim du khách lạc bước nơi này.

Làng gạch gốm ven Kênh Thầy Cai (Mang Thít)
Làng gạch gốm ven Kênh Thầy Cai (Mang Thít)

Các lò nung ở Vương quốc gạch gốm Mang Thít có đặc trưng gì?

Vĩnh Long có nhiều sông rạch cho nên ngày trước đường thủy vẫn là phương thức giao thông chính. Có lẽ vì điều đó mà hầu như các lò nung gạch, cơ sở sản xuất gạch gốm đều nằm cạnh các con sông, dòng kênh. Việc này sẽ thuận lợi cho ghe thuyền cập vào cung cấp nguyên liệu đất sét để đóng gạch ngói. Nguồn chất đốt được sử dụng chủ yếu ở các lò gạch Mang Thít là trấu và cũng được mua về từ các nơi khác. Rồi khi thành phẩm, người công nhân cũng dễ dàng vận chuyển hàng lên ghe thuyền để chở đi tiêu thụ.

Các lò nung gạch gốm Mang Thít đều nằm cạnh sông
Các lò nung gạch gốm Mang Thít đều nằm cạnh sông

Hình dáng lò gạch ở Mang Thít, Vĩnh Long cũng giống như các nơi khác của miền Tây. Với độ cao từ 9 – 13m, các lò nung gạch gốm thường là hình trụ tròn, đường kính tầm 6 – 8m, dưới phình to – trên thu nhỏ dần, nhìn từ xa trông giống các tháp của người Chăm. Chất liệu để làm nên các lò này cũng là bằng gạch, với số lượng hàng trăm nghìn viên xây xếp chồng lên nhau và mất khoảng nửa tháng để hoàn thành. 

Các cơ sở sản xuất ở Vương quốc gạch gốm Mang Thít tỉnh Vĩnh Long thường dùng lò để nung các loại gạch thẻ, gạch ống, gạch tàu. Tùy vào loại gạch mà mỗi mẽ nung sẽ được số lượng viên gạch, thời gian nung và tốn một lượng trấu khác nhau. Ví dụ, để nung gạch tàu thì mỗi lò sẽ chứa được khoảng 100.000 viên, nung liên tục trong 03 tháng với lượng trấu là 30 tấn. Còn gạch ống thì được 150.000 viên, thời gian nung là 01 tháng, tốn chỉ 12 tấn trấu.

Ngày nay, các cơ sở làm gạch ngói chủ yếu theo đơn đặt hàng. Tức là nếu các khách hàng có yêu cầu thì người dân mới tổ chức đóng gạch và đem nung. Vì tốn nhiều thời gian, công sức, nên giá thành của gạch tàu là cao nhất trong các loại gạch ở đây. Chính vì thế loại gạch này chủ yếu làm đúng với số lượng đặt. Giá bán sỉ khoảng 5.000đ/viên. Còn các loại gạch ống, gạch thẻ ít thời gian nung, giá thành thấp, dễ tiêu thụ hơn, nên một số cơ sở có bán lẻ cho khách hàng mua số lượng ít.

Vương quốc gạch gốm Mang Thít sẽ trở thành Di sản đương đại

Vương quốc gạch gốm Mang Thít sẽ trở thành Di sản đương đại
Vương quốc gạch gốm Mang Thít sẽ trở thành Di sản đương đại

Nghề làm gạch gốm ở Mang Thít, Vĩnh Long đang bị mai một. Nhiều lò nung không còn hoạt động và có nguy cơ bị phá hủy, hư hại. Chính vì điều đó mà chính quyền địa phương đã có các phương án bảo tồn và phát triển. Hiện có “Đề án di sản đương đại” của những người có tâm huyết. Theo đó, khu vực này  sẽ được đầu tư để phát triển du lịch. Nguyên tắc của đề án này là tôn trọng tối đa hệ sinh thái, môi trường sống của địa phương, giảm thiểu các tác động từ bên ngoài. Trong tương lai nơi đây sẽ có đầy đủ các điều kiện của một điểm tham quan, để du khách được trải nghiệm và khám phá những nét độc đáo của cuộc sống – văn hóa bản địa. Đặc biệt, sự giao thoa văn hóa và tinh thần đoàn kết của các dân tộc đang cộng cư trên mảnh đất này gồm Việt – Khmer – Hoa thông qua kỹ nghệ nghề làm gạch gốm truyền thống.

Trải nghiệm, khám phá gì tại Vương quốc gạch gốm Mang Thít?

  • Du khách chiêm ngưỡng và chụp hình check-in nơi những lò nung gạch khổng lồ vẫn bền bỉ trăm năm trơ gan cùng tuế nguyệt với đa dạng về hình thái, kích thước, màu sắc.
  • Tìm hiểu nghề làm gạch ngói truyền thống đã từng thịnh phát một thời.
  • Trải nghiệm các công đoạn làm ra một sản phẩm gạch ngói, như chọn đất sét, nhào đất, cho vào khuôn ép tạo hình, phơi nắng, xếp vào lò, đốt lò…
  • Trong tương lại sẽ có cơ sở lưu trú với homestay, nhà hàng với các món đặc sản địa phương, quán cà phê…Tất cả được hình thành trong lò nung gạch, hoặc không gian của làng gạch gốm.
Vẻ đẹp của Vương quốc gạch gốm Mang Thít
Vẻ đẹp của Vương quốc gạch gốm Mang Thít

Hướng dẫn cách đi tham quan Vương quốc lò gạch ngói Mang Thít

Như đã nói ở phần trên, đa phần lò gạch nằm cạnh bờ sông, dòng kênh, nên đi tham quan các lò gạch bằng đường thủy là lựa chọn tối ưu.

Đến Vương quốc gạch bằng đường thủy từ Vĩnh Long

Từ trung tâm thành phố Vĩnh Long, du khách tên tàu xuôi dòng Cổ Chiên với thủy trình khoảng 08km. Đến địa phận Huyện Mang Thít thì rẽ phải vào Rạch Thầy Cai. Hai bên bờ kênh là vô số các lò nung và cơ sở sản xuất gạch ngói.

Kết hợp đường bộ và đường thủy

Cũng từ trung tâm Vĩnh Long, theo đường Mười Bốn Tháng Chín, vượt qua ngã 4 ngay phà Đình Khao theo đường DT902 khoảng 08km. Khi đến cầu Kênh Thầy Cai thì lên tàu để đi tham quan làng gốm.

Tham quan Vương quốc gạch Mang Thít bằng đường thủy hoặc đường bộ
Tham quan Vương quốc gạch Mang Thít bằng đường thủy hoặc đường bộ

Tham quan Vương quốc gốm bằng đường bộ

Như cách kết hợp đường bộ và thủy ở trên. Qua cầu kênh Thầy Cai, du khách rẽ phải theo đường DT907 cập theo kênh. Cách này phù hợp với phương tiện xe đạp, xe máy, ô tô loại nhỏ vì đường ở đây còn hẹp. Tuy nhiên nhược điểm là không linh động để tham quan cùng lúc hai bên bờ kênh như đi tàu.

Công đoạn phơi và xếp gạch
Công đoạn phơi và xếp gạch

Vương quốc gạch gốm Mang Thít rất thú vị với hàng nghìn lò nung độc đáo đang hiện hữu. Cùng với đó, làng nghề thủ công truyền thống đã gắn bó cùng người dân ven bờ Cổ Chiên, Thầy Cai từ trăm năm nay. Sự giao thoa văn hóa độc đáo của cộng đồng dân cư đa sắc tộc ở địa phương. Tất cả sẽ tổng hòa thành sản phẩm du lịch độc đáo, hiếm có của tỉnh Vĩnh Long. Một lần đến miền Tây, hãy nhớ ghé nơi đây, biết đâu du khách sẽ quên lối về.

Facebook
Pinterest
Twitter