Nằm cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng 8km, Miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc không chỉ là một công trình có kiến trúc tuyệt đẹp, đây còn là một điểm du lịch tâm linh lớn nhất An Giang. Tại Miếu Bà, quanh năm luôn có khách du lịch và khách hành hương đến tham quan, chiêm bái.
Xem thêm: Tour Châu Đốc
Nội dung bài viết
Miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc – điểm đến tâm linh lớn nhất An Giang

Miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc nằm dưới chân Núi Sam (Châu Đốc, An Giang), cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng 8km. Miếu Bà ra đời vào khoảng thời gian sau khi Thoại Ngọc Hầu – Nguyễn Văn Thoại về trấn nhậm, tức cách đây khoảng 200 năm.
Tượng Bà được dân địa phương phát hiện và tổ chức khiêng xuống đỉnh núi. Tuy đã thử nhiều lần nhưng không được, cuối cùng người dân phải dùng 9 cô gái đồng trinh khiêng xuống thì mới di chuyển được tượng. Tới địa điểm lập miếu ngày nay, đoàn người dừng chân nghỉ mệt thì sau khi nhấc tượng lên để đi tiếp đã không thể nhấc được nữa. Cuối cùng miếu được lập tại đây để thờ tượng Bà.
Tương truyền, Thoại Ngọc Hầu hoặc vợ ông là bà Châu Thị Tế đã ban lệnh và hỗ trợ để lập miếu.
Trong miếu, tượng Bà Chúa Xứ được đặt ở chánh điện. Bà được đeo vòng vàng, choàng áo vàng. Người ta nói rằng hiện nay “tài sản” của Bà là cả trăm tỷ do những người đến Chiêm bái cầu lộc đi lễ dâng lên. Bởi thế mới thấy
Gần Miếu có chùa Tây An, lăng thoại Ngọc Hầu. Xa hơn một chút có Chùa Hang… là những điểm tham quan thú vị nên kết hợp ghé thăm.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Châu Đốc
Miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc có gì hay?
Đến Miếu Bà Chúa Xứ, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên vì cảnh đẹp và kiến trúc độc đáo của toàn bộ công trình. Không những vậy, câu chuyện đi lễ Bà Chúa Xứ để cầu lộc, mượn tiền bà làm ăn của những người tin vào tâm linh cũng sẽ cuốn hút bạn.
Nét kiến trúc độc đáo
Bước vào miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc, điểm đầu tiên là bạn sẽ vô cùng ấn tượng với lối kiến trúc tinh tế từ cổng miếu cho đến Chánh Điện, cổng sau và các gian nhà mới xây.

Chúng tôi đến đây 2 lần, một lần vào ban ngày và một lần vào ban đêm. Quả thực, mỗi thời điểm là một vẻ đẹp khác nhau. Nếu ban ngày, bạn sẽ được nhìn rõ từng chi tiết tinh tế chạm khắc trang trí trên các câu đối, hoành phi, từng mái ngói, cột nhà… thì ban đêm, ánh điện lung linh sẽ làm bạn choáng ngợp với sự lộng lẫy của nơi đây. Đứng giữa tòa kiến trúc có vẻ đẹp khác thường, chúng t có cảm giác mình đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.
Được biết, xưa kia, Miếu bắt đầu được xây dựng rất đơn sơ bằng tre lá, nằm quay về hướng Tây Bắc, phần lưng thì quay về vách núi, còn chính điện nhìn ra con đường và cánh đồng làng.
Năm 1870, Miếu được xây dựng lại bằng gạch hồ ô dước. Từ năm 1972 – 1976, suốt 4 năm ròng rã, miếu Bà được hai kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng và Nguyễn Bá Lăng xây dựng lại để có được diện mạo như ngày nay.




Nhìn chung, Miếu mang kiến trúc hình chữ quốc, có hình dáng như một bông sen đang tỏa ra. Miếu cũng được xây mái tam cấp ba tầng lầu, ngói được lợp là ngói đại ống màu xanh. Góc mái của miếu vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng.
Bên trong miếu thì lại được thiết kế và trang trí mang đậm nét nghệ thuật Ấn Độ. Có nhiều liễu đối, hoành phi rực rỡ, đẹp mắt. Các phần bên trong miếu là võ ca, chánh điện, phòng khách, phòng của Ban quý tế… Bốn cây cột cổ lầu trước chính điện gần như được giữ nguyên như cũ.
Lễ Bà chúa Xứ
Sở dĩ nhiều khách hành hương mà chủ yếu là người làm ăn từ khắp nơi đều tìm về đây là vì niềm tin: đi lễ bà Chúa Xứ, cầu lộc, vay tiền Bà để làm ăn. Đặc biệt, trong miếu Bà còn có một bức tường kỳ lạ mà người dân thường đứng úp mặt vào đó để lầm rầm cầu khấn, “tỉ tê tâm sự” với Bà.
Thời điểm người dân hành hương đến Miếu đông nhất thường là dịp từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch hàng năm (sau Tết Nguyên Đán).
Thời điểm tiếp theo là từ ngày 23-27/4 âm lịch (khoảng nửa cuối tháng 5 dương lịch hàng năm) tại đây sẽ diễn ra lễ hội Bà Chúa Xứ (còn gọi là lễ Vía Bà).
Lễ Vía Bà Chúa Xứ có các lễ chính như sau:
- Lễ “tắm Bà”
- Lễ “thỉnh sắc” tức rước sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân từ Sơn lăng về miếu bà,
- Lễ túc yết và Lễ xây chầu (dâng lễ vật và tiến hành nghi thức cúng bà)
- Lễ chánh tế
- Lễ hồi sắc (đem sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân về lại Sơn lăng).
Lễ vật cúng miếu Bà Chúa Xứ bao gồm: Trái cây, Hoa lay ơn, nhang rồng phụng 5 tấc, Đèn cầy, Gạo hũ, Muối hũ, trà pha sẵn, Rượu nếp Hà Nội 420ml, Nước chai 500ml, Giấy cúng Bà Chúa Xứ, Bánh kẹo, Trầu cau, Chè, Xôi, Cháo trắng, Heo quay con, Bộ Tam sên, bánh bao, Vịt luộc, Gà luộc.
Kinh nghiệm đi Miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc
Cách đi
Từ TP. Hồ Chí Minh, bạn di chuyển xuống TP. Châu Đốc bằng xe máy, ô tô du lịch tự lái hoặc xe khách.
Nếu đi xe khách thì có nhiều nhà xe từ TP. Hồ Chí Minh đi Châu Đốc như: Phương Trang, Huệ Nghĩa, Hùng Cường. V.v… Bạn chỉ cần gọi điện đặt vé và đến điểm đón của xe là được. Xe thường sẽ khởi hành ở bến xe miền Tây hoặc văn phòng của nhà xe. Đến Châu Đốc thì xe sẽ trả khách ở nhà xe hoặc Bến xe Châu Đốc (tùy hãng). Vé xe trung bình khoảng 150k/ vé.
Nếu đi xe máy thì bạn đi theo QL1A, đến TP Tân An thì rẽ phải vào quốc lộ 62. Tiếp tục đi thẳng cho đến QL N2 > đi tiếp cho đến khi gặp QL 30 thì rẽ trái > đi tiếp > gặp DT 848, đi tiếp > rẽ trái qua QL 54 > QL80 > QL91> QL91 C.
Nếu từ TP. Châu Đốc thì bạn đi theo đường Tân Lộ Kiều Lương cho đến khi gặp nhà khách Núi Sam thì rẽ phải, đi thẳng là tới.
Lưu trú
Xung quanh miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc có rất nhiều khách sạn nhà nghỉ giá rẻ và rất tiện để vào miếu Bà. Tuy nhiên vì rẻ và nhiều (đông người từ khắp nơi đến) nên cũng khá phức tạp. Do đó lời khuyên là nếu thuê phòng thì nên đặt phòng khách sạn có chất lượng, an toàn.
Một số gợi ý cho bạn là:
- Nhà khách Núi Sam. Địa chỉ: Quốc lộ 91, P. Núi Sam, Châu Đốc, An Giang
- Khách Sạn Trâm Anh. Địa chỉ: Tân Lộ Kiều Lương, P. Núi Sam, Châu Đốc, An Giang
- Khách Sạn Bến Đá Núi Sam. Địa chỉ: QUỐC LỘ 91, P. Núi Sam, Châu Đốc, An Giang
Ngoài ra, một lựa chọn hay ho là bạn có thể thuê phòng khách sạn ở khu vực trung tâm thành phố Châu Đốc để có thể tiện kết hợp đi tham quan nhiều điểm khác. Mọi thứ cũng tiện nghi và bớt phức tạp hơn. Các khách sạn ở trung tâm Thành phố Châu Đốc thì có khách sạn Hải Châu, khách sạn Victoria Châu Đốc.
- Khách sạn Hải Châu. Địa chỉ: 63 Sương Nguyệt Ánh, Châu Phú A, Châu Đốc, An Giang.
- Khách sạn Victoria Châu Đốc. Địa chỉ: Sô 1 Lê Lợi, Tp. Châu Đốc, Châu Phú B.
- Khách sạn Ngọc Phú. Địa chỉ: 25 Đống Đa, Châu Phú A, Châu Đốc, An Giang
Ăn uống
Về ăn uống thì có thể ăn ở các quán xung quanh miếu, đặc biệt là các gánh hàng rong ở cổng sau miếu. Các món ăn ở đây phổ biến có bún riêu, bún cá, bún mắm, mì, hủ tiếu. v.v…
Ngoài ra cũng có các loại bánh bò và nhiều loại bánh khác với đủ màu sắc trông rất ngon mắt.
Dọc đường để lên cổng trước của miếu thì bán rất nhiều đặc sản là các loại mắm, khô: mắm lóc xổ, mắm sặc, mắm linh, mắm lóc nhỏ, lóc khúc, mắm chốt, lóc phi lê… Trong đó mắm chốt 60.000đ/ kg, mắm lóc khúc thì 160.000/kg. mắm lóc nhỏ thì 80.000đ/ kg…
Đi Miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc khi nào?
Tháng giêng – tháng 3 âm lịch, thời điểm sau Tết là khoảng thời gian lý tưởng để đi miếu Bà Châu Đốc. Hoặc từ ngày 23-27/4 âm lịch (lễ Vía Bà). Đây là những thời điểm thập phương về đây rất đông để làm lễ ở miếu Bà. Nếu bạn muốn đi với mục đích hành hương vào dịp lễ lớn thì chọn thời gian này.
Nếu muốn chuyến đi của mình bớt đông đúc, thoải mái hơn, không bị kẹt xe, kẹt đường thì nên tránh đi vào thời điểm trên. Thời điểm này cũng là lúc dịch vụ phòng, vé xe đều đồng loạt tăng cao.
Nếu đi hành hương thì nên đi đầu tuần và giữa tuần. Nếu đi để đi lễ miếu Bà Chúa Xứ và xin lộc, vay tiền Bà để làm ăn thì nên đi vào buổi sáng sớm, khi mặt trời chưa lên. Theo lời người dân ở đây thì như vậy mới hiệu nghiệm.
Nếu chỉ đi tham quan thì nên đi ban đêm để bớt đông và thoải mái hơn.
Các lưu ý khi đi Miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc
- Lưu ý bảo quản tư trang cá nhân, các đồ quý giá, ví tiền.
- Nên mua đồ lễ từ trước ở chợ, hoặc nếu đến đó mua thì mua tại các hàng/shop lớn xung quanh miếu.
- Trên đường vào miếu, hạn chế mua hàng của những người bán dạo (tránh gặp phải các trường hợp bị lừa đảo lấy trộm ví tiền, tư trang…) Mặc dù không phải ai cũng lừa đảo nhưng nên tránh trước cho an toàn.
- Không nên mang theo nhiều tiền mặt.
- Nên mang giỏ xách phía trước người để tránh bị móc túi.
- Không mua, thuê heo quay gần chùa vì giá ở đây sẽ rất mắc. Chưa kể có thể bạn sẽ mua phải heo đã cúng, được đem dùng lại.
- Không nhận “lộc” từ người lạ dúi vào tay các bạn, vì họ sẽ đòi tiền bạn ngay sau đó
- Không thả chim phóng sinh, vì những con chim ơ đây bị nhốt lâu ngày thường không thể bay nổi nữa.
Các điểm tham quan gần Miếu Bà Chúa Xứ
Khi đi miếu bà Chúa Xứ Châu Đốc xong thì bạn có thể đi thăm lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Tây An… bên cạnh. Ngoài ra bạn nên lên kế hoạch kết hợp tham quan những địa điểm gần miếu bà Chúa Xứ như Chợ Châu Đốc, làng nổi cá Bè Châu Đốc, Làng Chăm Đa Phước…
Hạ Khương