Nhà mồ Ba Chúc ở An Giang là nơi ghi dấu sự kiện thảm sát của quân Khmer đỏ đối với người dân ở xã Ba Chúc và các khu vực lân cận. Ngày nay nhà mồ Ba Chúc trở thành một khu di tích để trưng bày các hình ảnh về tộc ác của quân Khmer qua đó cũng tưởng nhớ tới những người đã khuất.
Mục lục bài viết
ToggleThảm sát ở Ba Chúc
An Giang là một khu vực có nhiều điểm tham quan nổi tiếng như làng Chăm Châu Giang, miếu bà chúa xứ núi Sam, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, nhưng nơi đây còn có Ba Chúc, một địa danh không xa lạ trong các tour du lịch miền tây.
Ba Chúc là tên một xã thuộc huyện Tri Tôn, nơi đây gắn liền với sự kiện thảm sát Ba Chúc trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam vào năm 1978. Trong vòng hai tuần từ ngày 18/4 tới ngày 30/4/1978 quân đội Khmer đỏ đã tràn vào xã Ba Chúc và các điểm lân cận khác để tàn sát người dân vô tội nơi đây.
Có khoảng hơn 3000 người đã bị sát hại trong tổng số 16.000 dân của xã Ba Chúc. Quân Khmer đỏ đã tràn vào các trường học, chợ, làng mạc, chùa chiền để giết hại người dân. Phần lớn người dân bị bắn, chém hoặc chặt đầu, trẻ em, người già và phụ nữ chúng cũng không tha. Một số người chạy thoát thân lên núi cũng bị truy bắt và giết hại.
Năm 1979 chính quyền và nhân dân nơi đây cho dựng quần thể chứng tích tội ác bao gồm nhiều hạng mục như: bia tưởng niệm, nhà trưng bày, nhà mồ. Hàng năm khu lưu niệm Ba Chúc đón hàng ngàn lượt ghé thăm để tưởng nhớ tới những người đã khuất.
Bên trong khu lưu niệm Ba Chúc có gì?
Chùa Phi Lai Tam Bảo
Bên trong khu vực của khu lưu niệm Ba Chúc thì du khách có thể ghé thăm chùa Phi Lai và chùa Tam Bảo. Đây là hai ngôi chùa mà người dân Ba Chúc đã chạy vào đây lánh nạn trong cuộc thảm sát Ba Chúc và hiện nay cũng là điểm tham quan khá nổi tiếng của du lịch miền tây.
Chùa Tam Bảo do Ngô Lợi xây dựng vào năm 1882, ông cũng là người sáng lập ra đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Bên trong chùa Tam Bảo còn có rất nhiều cổ vật quý giá được ông Ngô Lợi sưu tầm đặc biệt là ngôi long đình được làm từ gỗ quý ở trên rừng.
Đối diện với chùa Tam Bảo là chùa Phi Lai đây là tổ đình của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, chùa cũng do ông Ngô Lợi và các tín đồ xây dựng vào năm 1887. Bên trong chùa Phi Lai còn lưu giữ những vết tích về cuộc thảm sát năm xưa do quân Khmer đỏ gây ra. Chùa Phi Lai Tam Bảo cùng với khu di tích Ba Chúc tạo nên một không gian để tưởng nhớ tới những người đã mất trong cuộc thảm sát năm xưa.