Đặc sản Cần Thơ là gì? Ăn và mua về làm quà (Cập nhật 2024)

Đặc sản Cần Thơ nổi tiếng có đến vài chục lựa chọn khác nhau, từ các món ăn được chế biến công phu đến các loại trái cây theo mùa, hay những bánh trái dân gian đậm chất dân giã miệt vườn. Tuy nhiên, có một cái khó là trong khuôn khổ giới hạn của chuyến công tác hay đi tour du lịch miền Tây có qua đây vì có ít thời gian nên khó mà thưởng thức hết được. Đừng quá lo lắng, bài viết này sẽ giới thiệu cô đọng 09 món ăn ngon và đặc sắc nhất của đất Cần Thơ để du khách dễ dàng tìm hiểu và ăn thử qua. Chắc chắn sau những trải nghiệm này sẽ giúp du khách khám phá thêm những nét đẹp của con người và cuộc sống Tây đô, nhất là nền văn hóa ẩm thực phong phú, giàu tính bản địa.

Đặc sản Cần Thơ với các món nước

Đến Cần Thơ nhất định phải ăn vịt nấu chao Thành Giao

Vịt nấu chao Thành Giao ngon nức tiếng

Đã có nhiều du khách vừa đặt chân đến thành phố Cần Thơ là tìm hỏi ngay đến quán Vịt nấu chao Thành Giao. Rốt cục, món ăn này có gì ngon mà được quan tâm nhiều đến vậy, hầu như lúc nào cũng đông nghẹt khách?

Trước tiên, Thành Giao là tên của một nghệ nhân – đầu bếp và là ông chủ của quán. Quán bán nhiều món ăn bình dân, tuy nhiên món vịt nấu chao vẫn là ngon nhất và đương nhiên nó là món chính trong list menu gọi món của thực khách, vì thế người ta quen miệng gọi là “Quán vịt nấu chao Thành Giao”.

Đã có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Hoài Linh, Thái Châu, Đàm Vĩnh Hưng…đến đây thưởng thức đặc sản Cần Thơ nổi tiếng này.

Để có được món ăn ngon này thì việc chế biến cũng kỳ công và tốn thời gian. Trước tiên phải chọn mua những con vịt đồng loại lớn, làm sạch sau đó dùng rượu và nước gừng rửa qua để hạn chế bớt mùi hôi đặc trưng, sau đó chặt thành miếng và đem ướp với chao đỏ, chao trắng. Nước lèo của quán khá đậm đà, theo chia sẻ thì trong thành phần có khoai môn chiên giòn, nấm rơm và chắc chắn là có chao. Khi ăn thì kèm với nhiều loại rau: cải xanh, mồng tơi, rau muống, cần…, ăn chung với bún hoặc mì.

Có dịp đến Tây đô, du khách nhớ ghé không gian gần gũi của quán để thưởng thức món vịt nấu chao Thành Giao tại địa chỉ 1/8 Lý Tự Trọng, P. An Phú, Q. Ninh Kiều.

Đệ nhất đặc sản Cần Thơ: lẩu mắm

Lẩu mắm Cần Thơ

Ở Cần Thơ có khá nhiều quán bán lẩu mắm nên rất dễ đàng để tìm đến đến thưởng thức. Thử kể các quán có danh tiếng như: Dạ Lý, Má Năm, Yên Hà, Đồng Quê, Bờ Hồ… Người ta nói rằng nếu phải chọn ra một món để khắc họa sự trù phú của đất, sự hòa đồng và dung dị của người dân miền Tây thì chắc chắn phải gọi tên món ăn đó là Lẩu mắm. Nói điều này là không ngoa chút nào nếu đã tìm hiểu về cách thức làm nên món ăn đặc sản Cần Thơ trứ danh này.

Lẩu mắm Dạ Lý Cần Thơ

Nguyên liệu để nấu lẩu mắm cơ bản gồm ba thành phần như sau: mắm, mồi và rau.

Trước hết là mắm. Mắm ở đây không phải là mắm cá cơm, cá thu như ở những vùng biển, mắm đây là mắm các loại cá đồng. Loại mắm thông dụng và ngon nhất để nấu lẩu mắm đó là mắm cá linh được đánh bắt và đem ủ trong mùa nước nổi hàng năm ở miền Tây. Mắm cá linh được đun sôi và lọc bỏ tạp chất, xương cặn; rồi cho thêm vào nước dừa, xương ống và các hương phụ liệu như sả băm, sả xắt, hành tím, tỏi, ớt. Song song đó, dùng 1 chảo khác xào thịt ba rọi với sả, tỏi, ớt cho săn lại rồi trút vào nồi mắm đang sôi. Kế tiếp là cho cà tím, khổ qua vào nấu chín, nem ném đường, bột ngọt để có nồi nước lèo thơm phức.

Về mồi. Người ta tưởng tượng như mọi loại thủy hải sản và thịt đều có thể bỏ vào nấu với lẩu mắm. Nào cá bông lau, cá basa, cá ngát, cá lăng, cá lóc, cá sặc, thịt heo, thịt bò, tôm, mực, gan phèo…Giống như có gì trong tủ lạnh là có thể đem ra dùng được vậy.

Phần làm nên màu sắc của lẩu mắm đặc sản Cần Thơ đó là các loại rau ăn kèm. Nếu chịu khó thống kê thì có đến vài chục loại rau khác nhau, như: cải xanh, giá, đậu bắp, rau ngút, kèo nèo, lục bình, rau muống, mồng tơi, bắp cải, tần ô, bạc hà, điên điển, rau má, rau choại, càng cua, bình bát, bông sung…

Vậy đấy, chỉ một món ăn thôi mà có thể huy động hầu như các sản vật của miền quê sông nước Nam bộ. Còn chần chừ gì nữa, khi đến Cần Thơ chỉ tốn tầm 200.000đ – 300.000đ là du khách đã có thể thưởng thức một nồi lẩu mắm miền Tây ăn vào nhớ mãi.

Đặc sản Cần Thơ là các món nướng, chiên

Bánh xèo Mười Xiềm là đặc sản có gốc Cần Thơ

Bánh xèo Mười Xiềm

Đi miền Tây mà không ăn bành xèo thì xem như chuyến đi đó chưa trọn vẹn!

Món ăn này có mặt ở nhiều địa phương của Đồng bằng Sông Cửu Long, trên mọi nẻo đường, xóm ấp. Tuy nhiên, khi nhắc đến bành xèo thì người ta thường nhớ đến một thương hiệu nổi tiếng, góp phần làm rạng danh món ăn thơm ngon này: Bánh xèo Mười Xiềm. Đây là một trong những đặc sản Cần Thơ tiêu biểu. Đằng sau thương hiệu Bánh Xèo Mười Xiềm có khá nhiều câu chuyện éo le đã được báo chí và dư luận đề cập. Trong phần giới thiệu này chỉ đề cập đến điều gì làm nên tên tuổi vang danh của món ăn.

Nguyên liệu chính của bánh xèo là bột nước được làm từ loại gạo dẻo thơm xay bằng cối đá. Gạo vừa xay xong là đem đi đổ bánh liền chứ không ngâm lâu sẽ có mùi chua và bánh ăn không ngon. Nhân bánh thì đa dạng toàn sản vật địa phương được tuyển mua từ sáng cho tươi ngon. Đó là con tép bạc để nguyên vỏ, thịt heo, thịt vịt xiêm băm nhỏ, thịt bò, nấm mối, củ sắn xắt sợi, giá, hẹ… Đặt chảo gan lên cho nóng, sau đó đổ ít mỡ heo vào và trán cho ướt khắp lòng chảo để bánh không bị dính chảo khi chín cũng như dễ dàng cho việc lấy bánh ra. Bí quyết để khi ăn cầm cái bánh trên tay không có cảm giác bị dầu mỡ dính tay là phải dùng mỡ heo chứ không dùng dầu ăn. Khi thấy chảo vừa nóng thì một tay nhấc chảo xuống, 1 tay cầm vá múc nước bôt đổ vào và trán cho bột loan đều khắp lòng chảo. Bánh xèo được ăn kèm với nhiều loại rau, đặc biệt là các loại rau dại, rau rừng. Một yếu tố góp phần làm cho món ăn thêm ngon hơn đó là nước mắm pha chua ngọt, làm sao cảm giác vừa miệng mà không át đi hương vị của thành phần bánh và nhân. Về cách ăn, người dân miền Tây thường dùng tay để bốc bánh đặt vào trong lòng lá cải xanh rồi cuốn kèm với các loại rau khác, chấm nước mắm và thưởng thức.

Quán đặc sản Cần Thơ Bánh xèo Mười Xiêm gốc thì hãy nhớ đến đúng địa chỉ tại 13/3 đường 917, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, Cần Thơ.

Ốc bưu nướng mắm tiêu xanh

Ở vùng đồng bằng châu thổ đâu đâu cũng là ruộng đồng sông nước, là nơi thích hợp cho các loài cua ốc sinh sôi và phát triển. Ốc bươu là động vật thân mềm có mặt khắp nơi và là nguyên liệu quen thuộc cho các món ăn dân giã của người dân miệt vườn. Người dân có nhiều cách để chế biến ốc bưu thành món ăn như: luộc chấm mắm gừng, nướng mọi, đem nhồi thịt, hoặc lấy thịt xào sả ớt…Ốc bươu nướng nước mắm và tiêu xanh là một trong những món ăn ngon nhất trong số đó. Về xứ Tây đô, du khách sẽ bắt gặp rất nhiều nhà hàng đưa món ăn này vào trong menu như là một đặc sản Cần Thơ nên thưởng thức.

Ốc bươu nướng tiêu xanh.

Món ăn ốc bươu nướng mắm tiêu xanh không khó để chế biến. Ốc sau khi bắt ở ruộng hoặc mua ngoài chợ về thì đem ngâm trong nước vo gạo và ớt trái khoảng tầm 30 phút để ốc thải bớt chất nhờn ra. Tiếp đó là luộc sơ để ốc rớt mày, rồi cho lên vỉ nướng đặt trên bếp than hồng, nhớ là nướng với lửa than thì thịt ốc sẽ thơm ngon hơn so với nướng bếp ga hoặc điện. Công đoạn kế tiếp là cho nước mắm nhỉ đã pha chế sẵn có các gia vị tiêu bột, tiêu xanh (nguyên trái), tỏi, đường, bột ngọt vào trong ốc…Tiếp tục nướng cho đến khi thấy mùi thịt bắt đầu thơm lên và mực nước trong ốc vơi đi khoảng một nửa là được. Sắp sẵn đĩa có rau răm lót phía dưới rồi đặt ốc lên, thưởng thức ngay khi còn nóng để cảm nhận được hết vị ngon qua nhiều gian quan: mùa thơm của thịt ốc quyện với mùa mắm tiêu xanh, vị cay xè đầu lưỡi, vị ngọt của nước ốc tiết ra, giòn giòn của thịt ốc…

Đặc sản Cần Thơ còn là nhiều món bánh trứ danh

Đặc sản Pizza hủ tiếu

Pizza hủ tiếu

Hiện ở Cần Thơ có chương trình tour trong ngày rất phổ biến đó là kết hợp đi Chợ nổi Cái Răng – tham quan Vườn trái cây và đặc biệt là Lò hủ tiếu Sáu Hoài.

Cũng giống như nhiều điểm tham quan cơ sở sản xuất truyền thống khác, đến đây du sách sẽ được tận mắt chứng kiến từng công đoạn và có thể trải nghiệm thử làm ra sản phẩm hủ tiếu sợi khô; riêng ở Lò hủ tiếu Sáu Hoài du khách còn có thể thưởng thức món ăn đặc biệt đó là Pizza Hủ tiếu.

Lò sản xuất hủ tiếu

Sở dĩ món ăn có cái tên ngồ ngộ nửa Tây nửa ta đó là do có nhiều du khách nước ngoài đến tham quan rồi thưởng thức và đặt cho, vì hình thức bên ngoài nhìn trông giống món pizza. Cách chế biến món bánh này cũng khá công phu, ngoài quy trình làm ra sợi hủ tiếu (xay bột, tráng bánh, phơi khô, cắt sợi) thì công đoạn chiên bánh là quan trọng. Cho một chảo nhiều dầu lên đun sôi, kế tiếp là cho bánh hủ tiếu vào (loại bánh lạt, không nêm), chiên và trở hai mặt cho chín giòn, rồi ốp la trứng lên và vớt ra dĩa, rắc lên trên ít rau thơm cho đẹp mắt. Nhân bánh được làm từ thịt thăn khìa nước dừa xiêm xắt miếng nhỏ vừa ăn. Trước khi ăn, cần rưới nước sốt làm bằng cốt dừa pha sữa tươi đã làm trước đó và rắc ít đậu phộng rang. Khi ăn, thực khách bẻ miếng bánh vừa cầm và chấm với nước mắm chua cay.

Để đi Chợ nổi cần phải thức dậy sớm, có khi không kịp dùng điểm tâm sáng tại khách sạn, nhưng du khách yên tâm là trong lịch trình đã có tham quan và thưởng thức món pizza hủ tiếu Sáu Hoài – đặc sản Cần Thơ rất ngon nhất định phải thử.

Bánh hỏi mặt võng Phong Điền ăn với thịt heo quay

Bánh hỏi mặt võng Phong Điền

Bánh hỏi là món ăn của người dân miền quê, phổ phiến ở các tỉnh Nam Trung Bộ vô đến miền Tây. Về nguyên tắc làm ra bánh thì có thể gần giống như nhau, nhưng về hình thức và cách ăn thì có thể sự khác nhau của từng vùng, điều đó làm cho món ăn trở nên đa dạng, phản ánh tính cách người dân cũng như đặc điểm sản vật của từng vùng.

Khi đến miền Tây, nếu để thưởng thức bánh hỏi thì du khách sẽ nhớ ngay đến địa phương Phong Điền, là một huyện của thành phố Cần Thơ. Ở đây có một thương hiệu nổi tiếng hơn cả là bánh hỏi mặt võng Út Dzách – một trong những tên tuổi tiêu biểu cho đặc sản Cần Thơ bình dân.

Nếu như bánh hỏi Bình Định, Phú Yên ăn chung với lòng heo, thì bành hỏi nhà Út Dzach lại ăn cùng với thịt heo quay mới đúng điệu. Để làm ra mẻ bánh hỏi mặt võng khá công phu và cần sự tỉ mĩ, cả yếu tố khéo léo nữa. Trước tiên, chọn loại gạo ngon đem xay bột và ngâm nước, cho vào nồi nấu riu riu và khuấy bột cho không bị dính đáy nồi và gây khét, sau đó cho vào cối xay lại cho thật mịn và để nguội. Khi làm bánh, người ta cho bột vào cái khuôn hình trụ kết nối với khúc gỗ hoặc tre làm đòn bẩy và cần một người có sức khỏe ép để bánh lọt qua các lỗ nhỏ ở đáy khuôn. Đồng thời, ngay lúc đó có một người khác dùng tay cầm miếng lá chuối bắt bánh và di chuyển tấm lá chuối để sợi bánh đan xen nhau như hình tấm võng. Để bánh có hình đẹp thì người bắt bánh phải thật khéo léo và có kinh nghiệm. Nhìn mặt bánh có thể nhận xét được thâm niên cũng như trình độ của người này. Công đoạn cuối cùng là đem hấp bánh chừng 5 phút là có thể ăn được. Bánh hỏi ăn kèm với thịt heo quay chặt thành miếng, cho rau thơm, hành phi và rưới (hoặc chấm) với nước mắt chua ngọt.

Đặc sản Cần Thơ thường được mua nhiều về làm quà là các loại trái cây

Dâu hạ châu

Dâu hạ châu – đặc sản nên mua về làm quà

Được phù sa sông Hậu bồi đắp quanh năm, Phong Điền là huyện chuyên canh cây ăn rái nổi tiếng của cả miền Tây nói chung và Cần Thơ nói riêng. Có thể gọi vùng đất ấy là xứ sở bốn mua cây thơm trái ngọt với đa dạng các loại hoa quả như hồng xiêm, sầu riêng, xoài, măng cụt, đặc biệt hơn là giống dâu hạ châu. Đây là loại trái cây đặc sản Cần Thơ được khu khách ưu tiên số một trong danh sách các đặc sản mua về làm quà khi đi du lịch đến nơi này.

Theo những lão nông tri điền, giống dâu hạ châu được trồng và nhân giống từ những năm 60 của thế kỷ trước. Loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nên phát triển và cho trái rất sai, ăn vào rất ngon, vì thế không bao lâu thì nó đã trở thành loại trái cây chủ lực của địa phương. Mùa dâu hạ châu thường kéo dài gần như quanh năm nhưng thường rộ nhất khoảng tháng 6 đến tháng 9 âm lịch. Trong thời gian này nếu có dịp đi du lịch Cần Thơ du khách sẽ thích thú khi bắt gặp hình ảnh những chùm dâu hạ châu với vô số trái nhỏ có màu vàng nhạt, da căng mọng, chen chúc từ thân đến cành rất đẹp mắt.

Đặc sản vú sữa tím Cần Thơ

Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh
Vú sữa nào ngọt bằng vú sữa Cần Thơ.

Vú sữa tím Cần Thơ thơm ngọt, hấp dẫn

Câu ca dao trên đã nói lên giống trái cây đặc sản Cần Thơ nổi tiếng đó là vú sữa. Có nhiều địa phương ở Cần Thơ trồng vú sữa như Phong Điền, Cái Răng, Ô  Môn với nhiều loại khác nhau như vú sữa trắng, vú sữa xanh, vú sữa bơ, đặc biệt là vú sữa tím…

Mùa vú sữa tím ở Cần Thơ thường từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Với đặc tính trái to, vỏ mỏng, com dày và rất ngọt nên được du khách khá chuộng và hỏi mua nhiều để mang về làm quà.

Để mua vú sữa tím Cần Thơ, du khách có thể đến chợ nông sản Cái Khế, chợ Cần Thơ hoặc các shop trái cây ở khu vực Bến Ninh Kiều.

Ngoài tham quan các vườn trái cây trĩu quả, tìm hiểu văn hóa sông nước với phương thức buôn bán độc đáo trên chợ nổi Cái Răng, hay đơn giản chỉ là nơi trung chuyển để đi đến các tỉnh ở miền Tây khác; thì việc mua sắm hay thưởng thức các đặc sản Cần Thơ chắc chắn là trải nghiệm ưu tiên không thể bỏ qua của du khách một khi đặt chân đến Tây đô.

Liên hệ tư vấn & đặt tour miền Tây
Facebook
Pinterest
Twitter